Nhiều người thường nghĩ rằng các ngân hàng có vốn nhà nước sẽ nắm giữ nhiều CASA nhờ tệp khách hàng lớn. Tuy nhiên, trong top 5 ngân hàng dẫn đầu chỉ có duy nhất 1 ngân hàng quốc doanh, cho thấy khối ngân hàng cổ phần đang dần vượt lên, chiếm ưu thế trên đường đua CASA.
Hai ngân hàng cổ phần là Techcombank và MBBank đã vượt qua Vietcombank trên đường đua CASA. Với hơn 46% vốn huy động được đến từ tiền gửi không kỳ hạn, ngân hàng Techcombank cho biết chính việc bùng nổ các dịch vụ thanh toán số đã kích thích người dân để số dư tiền trong tài khoản nhiều hơn.
Những ngân hàng đầu tư mạnh cho chuyển đổi số đang có lợi hơn trên đường đua CASA. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Số lượng giao dịch tại ngân hàng chúng tôi tăng trưởng hơn 100%, với nhu cầu như: chuyển khoản, thanh toán các tiện ích, khách hàng có thể quản lý tài chính, thực hiện giao dịch trên nền tảng số", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển và Quản lý Hợp kênh Ngân hàng bán lẻ Techcombank, cho biết.
Để cạnh tranh thu hút người dùng, các ngân hàng thi nhau miễn phí chuyển tiền. Để được miễn nhiều loại phí hơn, người dùng phải duy trì số dư tối thiểu một vài triệu đồng. Đây chính là mỏ khai thác CASA của ngân hàng, như ngân hàng ABBank, số dư bình quân mỗi tài khoản lên tới 15 triệu đồng.
"Số dư CASA tăng trưởng xấp xỉ 50%. Hiện nay chi trả cho tài khoản CASA từ 0,2 - 0,5%/năm, đây là một nguồn vốn giá rẻ giúp các ngân hàng tối ưu hóa chi phí, cải thiện được tỷ lệ thu nhập lãi tuần. Việc có được nguồn vốn giá rẻ dồi dào không chỉ đem lại lợi ích cho ngân hàng mà thông qua đó, khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất cho vay đầu ra thấp hơn", ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng ABBank, chia sẻ.
Để giữ được lượng CASA, các ngân hàng cần chú trọng hơn nữa chất lượng dịch vụ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ưu thế là lãi rẻ hơn so với huy động có kỳ hạn, nhưng nhược điểm là khách có thể rút ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, để giữ được lượng CASA, các ngân hàng cần chú trọng hơn nữa chất lượng dịch vụ.
"Người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ lúc nào, nhất là nhu cầu thanh toán hiện nay tương đối sôi động, phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhiều hơn trong thời gian sắp tới. Ví dụ dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng số", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Có thể thấy, những ngân hàng đầu tư mạnh cho chuyển đổi số đang có lợi hơn trên đường đua CASA, bởi khi càng có nhiều dịch vụ vừa tiện, vừa rẻ, sẽ càng có nhiều người lựa chọn đó là ngân hàng chính và để tiền giao dịch thường xuyên hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!