Những vụ khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây đang cho thấy quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch, lành mạnh thị trường tài chính, đặc biệt là hoạt động của thị trường trái phiếu - một kênh huy động vốn mới của nền kinh tế quốc dân.
Không chỉ một lần, hai lần, mà Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi nhiều người đang nhầm lẫn là ngân hàng đứng ra bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp hay có thẩm định từ các định chế tài chính này. Đó là cách hiểu sai của nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp.
Câu chuyện nóng liên quan đến việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một ví dụ.
Năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng, trở thành kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Ngân hàng SHB và Vietinbank là những ngân hàng đầu tiên chính thức khẳng định, họ không liên quan đến việc mua, bán hay đầu tư các lô trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ông Nguyễn Việt Bảo - Giám đốc Trung tâm kinh doanh ngân hàng SHB nói: "Tôi nhấn mạnh SHB không cung cấp dịch vụ liên quan đến việc phát hành bão lãnh, bão lãnh thanh toán hay đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh cũng như phân phối lại trái phiếu Tân Hoàng Minh. HSB chỉ cung cấp đơn thuần dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vu quản lý thẻ bảo đảm".
"Liên quan đến quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy các đợt chào bán riêng lẻ của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vietinbank khẳng định Ngân hàng chúng tôi không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên. Vietinbank chúng tôi có thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Việc cung ứng dịch vụ tuân thủ các pháp luật hiện hành", ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT Ngân hàng Vietinbank cho hay.
Việc đầu tư trái phiếu của các ngân hàng cũng được giám sát chặt chẽ bởi các quy định hiện hành, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán... Và nhất là từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 16, chỉ cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế bởi vậy sự phát triển lành mạnh của thị trường này sẽ khơi thông nguồn vốn phát triển cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Đảm bảo lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng, trở thành kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế.
Theo quy định hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là những tổ chức tài chính hoặc cá nhân có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Tuân thủ quy định này là cách để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ so với trước đây, tránh trường hợp không có kinh nghiệm và khả năng đánh giá các rủi ro.
Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.
Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu; theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu.
Theo Bộ Tài chính, những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua là những sự việc rất đáng tiếc, tuy nhiên qua đó cũng thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch đối với thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Việc siết chặt các quy định, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm sẽ đưa hoạt động phát hành của trái phiếu bất động sản đi vào nề nếp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!