Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,5 triệu tỷ đồng, kéo theo đó số dư nợ "tín dụng xanh" tiếp tục gia tăng, tuy nhiên dư nợ "tín dụng xanh" mới chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm gần 40%, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chiếm hơn 30%, theo VnEconomy.
Dẫn lời chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng xanh hiện tại chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn. Đối với toàn thể hệ thống ngân hàng, tín dụng xanh ở thời điểm này vẫn rất hạn chế. Các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn, đủ lớn để có thể phục vụ các dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo...
(Ảnh minh họa: GreenPath)
Bên cạnh đó, thiếu những chuyên gia đủ kinh nghiệm, chuyên môn để thẩm định các dự án này cũng là rào cản để tín dụng xanh chỉ chiếm gần 4% trong tổng dư nợ tín dụng hiện nay.
"Sóng ngầm" đầu tư hạ tầng logistics
Sóng ngầm đầu tư hạ tầng logistics là bài viết đáng chú ý trên Thời báo kinh tế Sài Gòn. Cụ thể, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang rót nhiều tiền vào các dự án kho bãi, vận tải và giao nhận hàng hóa, trong khi các địa phương cũng đã lên kế hoạch đầu tư lớn cho hạ tầng logistics trong thời gian tới. Cho đến thời điểm hiện tại, thống kê của JLL Việt Nam cho thấy hàng chục thương hiệu quốc tế đã dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam.
Sức nóng của thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng hiện khoảng 30% được cho là "đòn bẩy" kích nhu cầu đầu tư kho vận tại Việt Nam tăng cao hiện nay vì logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua.
Một khu logistics của doanh nghiệp tại Bình Dương. (Ảnh: Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Không chỉ các thương hiệu ngoại, các địa phương trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Long An... cũng nghiêm túc đầu tư lớn vào hệ thống logistics với những đề án đến năm 2030, hay Cần Thơ cũng liên kết với tập đoàn lớn để đầu tư mảng logistics cho nông sản xuất khẩu.
Quy định thu hồi tái chế xe cũ - Tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Quy định yêu cầu doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy phải cam kết tái chế sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đang khiến các doanh nghiệp băn khoăn, theo Diễn đàn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số đại diện các hãng xe nhập khẩu cũng cho rằng, quy định đưa ra trong Dự thảo chưa thật sự rõ ràng, hợp lý, bởi để thực hiện được quy định này sẽ kéo theo đó là hàng loạt vấn đề cần giải đáp như: chứng chỉ hành nghề ra sao?; Sử dụng công nghệ nào để tái chế nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường?
Do đặc thù của sản phẩm ô tô, xe máy, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị, các cơ quan quản lý xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra con số cụ thể về yêu cầu cam kết tỉ lệ tái chế ô tô, xe máy phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng khởi sắc VTV.vn - Dù diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, nhiều dự báo vẫn cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ đạt mức gần 13%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!