Số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 5, người dân đang gửi khoảng 6,34 triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, tăng khoảng 8,2% so với cuối năm ngoái. Con số này cho thấy dù mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm thời gian qua, nhưng vẫn không làm mất đi sức hấp dẫn của kênh gửi tiền tiết kiệm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng trong 5 tháng đầu năm tăng 481 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 8,2% so với cuối năm. Các kỳ hạn thu hút tiền gửi nhiều nhất là 6 và 12 tháng. Tiết kiệm vẫn được nhiều người coi là kênh sinh lời hiệu quả, và an toàn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản không còn tăng trưởng như trước.
Chị Ngô Thị Khánh Ninh, Kiểm soát viên Phòng dịch vụ khách hàng, Hội sở PvcomBank, cho biết: "Kỳ hạn dài vẫn là kỳ hạn có mức lãi tốt nhất, như 12-15 tháng đang cạnh tranh nhất. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân gửi online, tăng hơn 0,5%% so với tại quầy".
Lượng tiền gửi dân cư tăng, nhưng ngược lại, lượng tiền từ các tổ chức kinh tế lại giảm 3,45%. Điều này được nhìn nhận 1 phần cũng phản ánh đúng thực trạng kinh tế hiện nay, khi doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và đơn hàng bởi khi doanh nghiệp có tiền hàng về thì luôn để ở ngân hàng để tối ưu hóa hiệu quả dòng vốn.
Bà Lê Thu Hà, Tổng Giám đốc CTCP Thương mại và dịch vụ HTC, nói: "Nếu như nguồn tiền về chưa sử dụng ngay thì chúng tôi cũng gửi vào ngân hàng, là chứng minh cho thấy nguồn tài chính mạnh thì cũng dễ tiếp cận vốn vay hơn"
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động bình quân mới đã giảm về 5,8%/năm. Mức lãi tiền gửi với kỳ hạn 1 năm phổ biến quanh 6,5 -7,5%. Thanh khoản dôi dư giúp các NH có nguồn tiền để đẩy mạnh cho vay nửa cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!