Năm ngoái, tập đoàn sản xuất chip bán dẫn TSMC - tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất chip, cho biết sẽ đầu tư 40 tỷ USD vào bang Arizona, Mỹ và sẽ xây thêm một nhà máy sản xuất chip ở bang này vào năm 2024. Nhưng có một vấn đề đó là bang Arizona rất dễ gặp hạn hán.
Vào thời điểm TSMC công bố khoản đầu tư vào Arizona, bang phía Tây Nam này cũng đang trải qua một trận "đại hạn hán" khiến hai hồ chứa lớn nhất của khu vực cạn kiệt đến mức thấp kỷ lục.
Nước ngọt là thành phần quan trọng trong quy trình sản xuất chíp bán dẫn. Và khi nước còn không đủ để tưới tiêu cho nông nghiệp, câu hỏi đặt ra là liệu sản xuất chip có được ưu tiên hay không?
"Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng nguồn nước hiện đang dùng cho sinh hoạt cộng đồng để ưu tiên cho một ngành sản xuất mới", bà Cynthia Campbell - Cố vấn quản lý nguồn nước tại Phoenix, Arizona cho biết.
Ngành công nghiệp chip chật vật trước rủi ro thiếu nước. Ảnh minh họa.
Đối mặt với tình trạng trên, câu trả lời của TSMC chính là tái sử dụng. Cụ thể là 65% nguồn nước sử dụng cho nhà máy chip sẽ là nước tái sử dụng từ chính các hoạt động của nhà máy. Còn 35% còn lại sẽ là từ nguồn nước ngọt của địa phương, với tần suất tái chế là 2,8 lần.
Rủi ro khan hiếm nước đối với các công ty bán dẫn cho thấy những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng do hiện tượng hiệu ứng nhà kính gây ra. Đối với cổ đông của các công ty bán dẫn, rủi ro hạn hán chưa được đánh giá đầy đủ khi báo cáo tài chính của nhiều nhà sản xuất chip không phân tích sâu về nguy cơ khan hiếm nước.
Giải pháp của các công ty sản xuất chip, ngoài việc tái chế nước, còn có phát hành trái phiếu xanh. Micron - một trong những công ty thống trị thị trường chip nhớ DRAM toàn cầu, tiết lộ rằng vào năm 2021, họ đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu xanh để giúp chi trả cho các khoản đầu tư liên quan tới việc quản lý nguồn nước cùng với các sáng kiến môi trường khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!