Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu là 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, tình hình năm nay dường như không mấy khả quan.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tính đến ngày 15/10 đã đạt 12,8 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, so với mục tiêu xuất khẩu đạt 16,5 tỷ USD trong năm nay, ngành gỗ đã hoàn thành được 77,6% và còn cần thêm 3,7 tỷ USD trong thời gian còn lại để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu là 16,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tuy nhiên, theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, trong tháng 11, xuất khẩu gỗ giảm 10% so với tháng 10. Chỉ tiêu xuất khẩu năm nay cũng đang khó hoàn thành, bởi tháng cuối năm này doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, nhất là tại các thị trường chủ lực.
Doanh nghiệp gặp khó khi đơn hàng sụt giảm
Kết quả kinh doanh những tháng cuối năm nay của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. Điều này cũng đang là một trong những khó khăn của ngành gỗ.
Ngành xuất khẩu gỗ chưa năm nào gặp nhiều khó khăn và thách thức như năm nay. Chi phí đầu vào tăng, lượng hàng tồn kho lại đang ở mức cao khiến doanh nghiệp gỗ gặp khó chồng khó. Đơn hàng sụt giảm là một trong các điểm nghẽn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó.
Cùng thời điểm này năm trước, hoạt động sản xuất và cung ứng máy móc thiết bị cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Việt Nam của Công ty Sản xuất máy chế biến gỗ Hồng Ký diễn ra hết sức nhộn nhịp. Tuy nhiên kể từ đầu quý 2/2022 hoạt động này bắt đầu chậm lại và gần như đình trệ cho đến thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ không có đơn hàng nên việc mua sắm máy móc thiết bị sản xuất cũng vì thế mà dừng lại.
"So sánh về sản lượng lẫn doanh số tiêu thụ cùng kỳ, công ty chúng tôi đã giảm đến 70%", ông Nguyễn Duy Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất máy chế biến gỗ Hồng Ký, chia sẻ.
Chưa tính đến sụt giảm doanh thu, nếu như những năm trước, thời điểm này doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6 năm sau để bắt đầu sản xuất, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp còn chưa có đơn hàng, thậm chí ngừng hoạt động.
"Tồn kho hiện tại toàn hàng giá cao, trong khi ở Mỹ và các nước phương Tây đang trong tình trạng lạm phát cao, lãi suất cao, ngành địa ốc đóng băng dẫn đến hàng tồn kho ở các nhà bán lẻ nói chung đang chất như núi, khiến các nhà sản xuất Việt Nam tạm thời không có đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nếu may mắn có đơn hàng thì có từng tháng", ông Vũ Tiến Thập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nội thất D'Furni, cho biết.
"Với tình hình lạm phát đang còn cao, tất cả chuỗi bán lẻ chưa dám đặt hàng nên có thể từ tháng 1 đến tháng 4, 5, 6 sang năm, tăng trưởng chưa thể bằng được nhịp của năm 2022", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), nhận định.
Thị trường chủ lực xuất khẩu gỗ của Việt Nam tại Mỹ, EU đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Đây cũng là yếu tố chính khiến ngành gỗ dù ghi nhận tăng trưởng, nhưng vẫn khó lạc quan trong các tháng còn lại của năm 2022.
Nhiều khó khăn xuất khẩu gỗ năm 2023
Chưa có dấu hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu cuối năm, đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm với ngành xuất khẩu gỗ của nước ta.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), cho rằng đầu năm sẽ không có nhiều tăng trưởng, kỳ vọng đến tháng 3, 4, sau mùa hội chợ đầu năm, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng nhiều hơn.
Ngành xuất khẩu gỗ chưa năm nào gặp nhiều khó khăn và thách thức như năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"HAWA đang nỗ lực làm hội chợ HawaExpo vào cuối tháng 2/2023, hy vọng đây là hội chợ giúp doanh nghiệp bắt đầu lấy được hàng; cũng kỳ vọng lạm phát của thế giới sẽ về mức trong kiểm soát. Hy vọng đến tháng 6, nếu kiểm soát được lạm phát thì nguồn lực phát triển sẽ dành cho nửa cuối năm 2023", ông Nguyễn Chánh Phương nhận định.
Thực tế hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam. Khi thị trường này khủng hoảng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều rủi ro. Tìm kiếm thị trường mới, gần Việt Nam hơn như thị trường châu Á cũng đang là giải pháp nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh như hiện nay. Ngoài ra những thị trường như Australia, Canada hay Trung Đông cũng là được đánh giá là rất tiềm năng cho gỗ Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!