Để thúc đẩy du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không là một trong những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang rất thiếu hụt phi công. Cả nước cũng mới chỉ có một trường đào tạo phi công về lý thuyết cơ bản. Các hãng hàng không hiện đang phải thuê một số lượng lớn phi công nước ngoài với giá cao và không ổn định. Trước thực tế này, từ cuối năm ngoái đến nay, các hãng đã bắt đầu xây dựng thêm và đưa vào hoạt động các trung tâm đào tạo.
Sau hơn 1 năm học phi công cơ bản tại Australia, anh Đức trở về Việt Nam và đầu quân cho Vietnam Airlines để được đào tạo và cấp chứng chỉ bay trong 6 tháng tại Trung tâm huấn luyện bay FTC trực thuộc hãng hàng không này. Nếu anh Đức đạt đầy đủ các bài kiểm tra trình độ khắt khe sẽ chính thức là phi công của hãng. Anh Đức cho biết, khi được huấn luyện tại Việt Nam các học viên có rất nhiều lợi thế.
Anh Phạm Viết Đức - Học viên phi công Vietnam Airlines nói: "Khi được huấn luyện tại Việt Nam mình sẽ đỡ được rất nhiều chi phí ăn ở so với ở nước ngoài..."
Trung tâm huấn luyện bay FTC mỗi năm đào tạo hàng nghìn tiếp viên và phi công theo chuẩn quốc tế khiến cho Vietnam Airlines chủ động hơn trong việc đảm bảo số lượng, chất lượng phi công ở mức cao nhất. Theo tính toán, việc đào tạo phi công chuyển loại trong nước sẽ giúp Vietnam Airlines tiết kiệm hơn 285 tỷ đồng trong vòng 10 năm.
Với các tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái tàu A320, A350 hay Boeing 787, các học viên phi công được đào tạo tại Việt Nam sẽ chỉ mất 35 ngày thay vì 60 ngày nếu phải đào tạo huấn luyện tại nước ngoài.
Nằm tại khu công nghệ cao TP.HCM, Học viện Hàng không Vietjet là trung tâm đào tạo đầu tiên của hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Đến nay học viện đã thực hiện trên 230 khóa đào tạo cho hơn 8.000 lượt học viên và phi công, tiếp viên, nhân viên điều phối, sửa chữa, khai thác mặt đất… Tổ hợp buồng lái mô phỏng cho dòng máy bay Airbus A320 của hãng đã được đưa vào hoạt động và dự kiến 6 tổ hợp tiếp theo sẽ hoạt động trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có trường đào tạo phi công đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế để cho ra đời các phi công cơ bản tại Việt Nam. Cùng với đó là các trung tâm đào tạo, huấn luyện chuyển loại để hàng trăm phi công trong nước được huấn luyện chuyển loại ngay tại Việt Nam. Được như vậy, không chỉ giảm chi phí, mà quan trọng Việt Nam sẽ chủ động được nguồn phi công trong nước nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho các hãng hàng không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!