Chiến lược này không chỉ giúp các nhà băng mang có biên lãi thuần cao hơn, phân tán rủi ro, đồng thời còn thúc đẩy thu nhập dịch vụ và nguồn huy động bền vững. Đây cũng là xu hướng chung của các ngân hàng lớn trên thế giới mà các ngân hàng nội đang bắt nhịp.
Lướt qua báo cáo thường niên của các tổ chức tín dụng những năm gần đây, phát triển ngân hàng bán lẻ là điều được phần lớn các nhà băng đề cập. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là những đơn vị sớm định hướng theo chiến lược này, nổi bật như VIB, ACB, MSB... Gần đây, các ngân hàng quốc doanh cũng bắt đầu chuyển đổi định hướng từ bán buôn sang bán lẻ.
VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ bán lẻ bình quân trong 4 năm qua trên 50%/năm, thuộc top đầu ngành với chất lượng tài sản tốt. Năm 2020, tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm 85% cơ cấu VIB, trong khi ACB chiếm 70%... Vietcombank sau hai năm đẩy mạnh, cũng đưa tỷ lệ dư nợ bán lẻ liên tục tăng, chiếm trên 54% cơ cấu. BIDV sau khi có sự tham gia của KEB Hana Bank cũng đang thúc đẩy chuyển đổi và tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ.
Việc chuyển đổi từ ngân hàng bán buôn sang trọng tâm vào bán lẻ là xu hướng chung của thế giới và mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các nhà băng muốn giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Phát triển ngân hàng bán lẻ đồng nghĩa các nhà băng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa tệp khách hàng. Trong khi cho vay bán buôn với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phải chịu lãi suất cạnh tranh, cho vay bán lẻ mang lại biên lãi thuần cao hơn cho các ngân hàng, đồng thời cũng giúp phân tán rủi ro khi cho vay.
Bên cạnh đó, lượng khách hàng lớn và đa dạng sẽ là cơ sở để các ngân hàng phát triển mảng dịch vụ bán bảo hiểm (bancassurance), thanh toán… từ đó có được thu hút được nguồn vốn rẻ từ tiền gửi thanh toán (CASA).
Hiện nay, các nhà băng đang trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển công nghệ, ứng dụng điện thoại nhằm tạo thuận tiện hơn cho hoạt động thanh toán của khách hàng, nắm bắt được sự chuyển đổi trong thói quen không dùng tiền mặt của người dân trong dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục đa dạng hóa sản phẩm tiếp cận tối đa các khách hàng mục tiêu. Ngoài hai hoạt động cốt lõi là tiền gửi và tín dụng, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm cũng được các nhà băng nghiên cứu và đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mãi để thu hút người dùng. Những bước đi này đều nhắm đến mục tiêu đưa ngân hàng bán lẻ trở thành hạt nhân chính cho sự phát triển của các ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang vực dậy sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành ngân hàng là đầu tàu, giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ hội để mở rộng tín dụng, đa dạng hóa dịch vụ, các nhà băng cũng đối mặt với nỗi lo về nợ xấu.
Để tìm hiểu sâu hơn về triển vọng của ngành ngân hàng nói chung năm 2022 và tiềm năng phát triển ngân hàng bán lẻ nói riêng, Công ty chứng khoán SSI và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) phối hợp tổ chức Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng" vào lúc 15h30 ngày 16/12. Chương trình được livestream trên các kênh: Fanpage VTV24 Money, Chuyên trang Người Đồng Hành (NDH.vn) và CafeF, fanpage của NDH và VIB.
Buổi trao đổi sẽ có sự tham gia của bà Trần Thu Hương – Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Bán lẻ, VIB; ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn & Ngoại hối, VIB; ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI; ông Daniel Tabbush – Giám đốc điều hành Tabbush Report và bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Quỹ đầu tư Dragon Capital. Các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng sẽ có những chia sẻ chi tiết và dẫn chứng cụ thể nhất về tiềm năng, lợi thế của ngân hàng bán lẻ trong tương lai, đồng thời đưa ra góc nhìn về toàn ngành, cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!