Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc: Cơ hội mở rộng thị trường nông sản

Vấn đề hôm nay-Thứ sáu, ngày 04/11/2022 06:28 GMT+7

VTV.vn - Trong số 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì mới có 4 loại được ký kết Nghị định thư là quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.

Chuẩn hoá ngành chuối xuất khẩu

Mới đây trong khuôn khổ chuyến thăm của Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, Nghị định thư kiểm dịch quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam đã được ký kết. 

Chuối Việt Nam hiện chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập vào Trung Quốc và đang gia tăng mạnh. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm sản lượng chuối xuất sang thị trường này tăng 28% so với cùng kỳ. 

Trước đây chuối Việt Nam đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc nhưng những quy định mới dừng lại ở những yêu cầu cơ bản, chưa được cụ thể. Nghị định thư vừa công bố ngày 1/11 vừa qua là sự tích hợp các quy định được bổ sung trong suốt hơn 10 năm qua vào một văn bản thống nhất. Điều này sẽ giúp nhà vườn, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch. Chuối tươi được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải là chuối chưa chín, được thu hoạch trong vòng từ 10 - 16 tuần sau khi ra hoa. 

Việc kí Nghị định thư với những quy chuẩn rõ ràng cũng sẽ giúp việc thông quan được nhanh chóng hơn.

"Chúng ta chưa bao giờ đưa chuối là thành một ngành hàng mà chỉ nhỏ lẻ. Lần này chúng ta đáp ứng được chuẩn mực đó đáp ứng được cơ hội đó khi chúng ta có được thị trường bền vững thì nó sẽ trở thành một ngành hàng để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phân công các đơn vị của Bộ cùng vào cuộc để hỗ trợ bà con nông dân nâng dần chất lượng chuối", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.

Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc: Cơ hội mở rộng thị trường nông sản - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài những quy định đã có, Nghị định thư cũng có một số điểm mới: Phải có quy định về vùng trồng; áp dụng VietGAP; theo dõi sinh vật gây hại trên đồng ruộng... Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải tiếp cận các nội dung của Nghị định thư để có sự thay đổi, thích nghi vì đây là một cơ hội rất lớn để tăng xuất khẩu chính ngạch.

"Việc xuất khẩu thông qua Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương có được sự hướng dẫn một cách cụ thể hơn cho các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu. Về lâu dài, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ thúc đẩy sự liên kết trong sản xuất bởi nó mang lại sự ổn định và dài lâu cho các đơn vị xuất khẩu", ông Hiếu cho biết.

Trước quả chuối tươi, mới có 3 Nghị định thư được ký kết gồm: Nghị định thư với măng cụt năm 2019 và Nghị định thư với chanh leo, sầu riêng trong năm nay. Hồi tháng 7, Nghị định thư về sầu riêng được ký kết đã mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch cho loại quả này. Lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu vào tháng 9. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã ngay lập tức nắm bắt cơ hội, để khai thác tốt tiềm năng về diện tích, về sản lượng và chất lượng sầu riêng tại địa phương mình.

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Ngoài Trung Quốc, hiện Việt Nam có 7 loại trại cây được phép nhập khẩu vào Mỹ. Sau gần 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. EU hiện cũng trở thành thị trường lớn thứ 3 của nông sản Việt. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc: Cơ hội mở rộng thị trường nông sản - Ảnh 2.

Việt Nam đang có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Thực tế cho thấy, hạn hán tại Trung Quốc, lạm phát tại Châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu... sẽ làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực, khiến giá nhiều loại nông sản tăng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 

Hiện EU đã xây dựng kế hoạch "Làn đường đoàn kết" để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu sang thị trường này cũng dần chuyển biến tích cực. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam đã có thêm trái bưởi tươi được phép xuất khẩu chính ngạch. Đây là cơ sở để mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Khi chúng ta có những sản phẩm tốt, ngoài việc tìm hiểu thị trường cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho các biện pháp kỹ thuật mà các đối tác yêu cầu", ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh.

Với riêng thị trường Trung Quốc, theo ông Hiếu đã có một lộ trình đàm phán để tiếp tục ký tiếp các Nghị định thư còn lại. Quá trình này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp một cách chặt chẽ, trên tinh thần hợp tác tích cực. 

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước