Nghị quyết 120: Hóa giải thách thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân ĐBSCL

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/03/2021 20:48 GMT+7

VTV.vn - Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị quyết 120 đã tạo ra chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy, hành động để phát triển tổng thể vùng ĐBSCL.

Từ năm 2017, việc triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Với trọng trách được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cụ thể hóa bằng 4 lĩnh vực then chốt, một trong số đó là xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; cùng với đó là chú trọng đến phát triển thủy lợi, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển, thiên tai... và nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn 3 năm triển khai, một tư duy mới về nông nghiệp thuận thiên đã được hình thành. Người dân nơi đây đã biến những thách thức thành cơ hội.

Nông nghiệp thích ứng, phát triển bền vững

Nghị quyết 120: Hóa giải thách thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân ĐBSCL - Ảnh 1.

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 120, một tư duy mới về nông nghiệp thuận thiên đã được hình thành.

Những bàn tay vốn đã quen với việc trồng lúa, nay đã thành thạo với công việc mới. 3 năm qua, nhiều nông dân ở An Giang đã trở thành công nhân với mức lương khoảng 200.000 đồng/ngày. Chuyển đổi từ lúa sang trồng chuối cấy mô công nghệ cao trên đất phèn là một hướng đi đúng.

Một vùng chuyên canh 2.000 ha chuối đang dần hình thành trên vùng đất phèn của tỉnh An Giang. Những vụ đầu tiên cho thấy trồng chuối mang lại doanh thu cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa.

Xoay trục phát triển giảm lúa, tăng thủy sản, trái cây, rau màu, hơn 3 năm qua, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi gần 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả, nhằm vừa tiết kiệm nước ngọt, vừa đáp ứng tín hiệu thị trường và tạo ra hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh chuyển đổi sản xuất, 11 công trình thủy lợi, trong đó có 7 công trình đã được bàn giao hoặc tạm đưa vào sử dụng đã giúp ĐBSCL vừa trữ ngọt, vừa có thể điều tiết mặn theo nhu cầu sản xuất từng vùng. Hiệu quả đã được chứng minh từ mùa khô năm 2019 đến nay. Âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp là một ví dụ.

Dự kiến cuối năm nay, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 sẽ hoàn thành, đảm bảo điều tiết nước cho 380.000 ha đất vùng bán đảo Cà Mau. Cùng với các công trình đang có, hệ thống này sẽ giúp ĐBSCL chủ động hơn khi ứng phó với thiên tai.

Nước mặn, lợ đã trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý tài nguyên nước. Phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019 - 2020, thiệt hại chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn 2015 - 2016 nhờ thay đổi thời vụ, cơ cấu giống lúa. Ngay trong những tháng đầu năm nay, dù ĐBSCL đang phải chịu hạn mặn, người dân vẫn có một vụ lúa được mùa, được giá.

Hướng đến phát triển dựa trên quy hoạch tổng thể

Kết quả lớn nhất sau 3 năm triển khai là Nghị quyết 120 đã tạo ra chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy, hành động để phát triển tổng thể ĐBSCL, từ chỗ dựa vào ưu đãi của tài nguyên thiên nhiên chuyển sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nghị quyết 120 cũng đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách có tính chất đặc thù cho vùng. Mục tiêu là lấy người dân làm trung tâm, từ đó giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới theo hướng "phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau".

Nghị quyết 120: Hóa giải thách thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân ĐBSCL - Ảnh 2.

Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa. (Ảnh: Dân trí)

Ba năm qua, các bên liên quan cũng đã đẩy mạnh điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả các nguồn lực của ĐBSCL, điển hình là đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương

Kiến tạo tương lai từ đầu tư hạ tầng

Diện mạo ĐBSCL đã có những thay đổi khi được tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối vùng với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Riêng về giao thông, tổng số vốn trung ương đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là gần 30.000 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hay dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng…

Hàng loạt tuyến cao tốc mới sẽ được triển khai trong năm nay sẽ là động lực mới cho sự phát triển của khu vực kinh tế quan trọng với 20 triệu dân này.

Tiếp nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng vừa chính thức khởi công. Với chiều dài 23km, tuyến cao tốc mới sẽ nối thẳng từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, kết nối các trung tâm kinh tế phía Nam với ĐBSCL.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ được đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Nghị quyết 120: Hóa giải thách thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân ĐBSCL - Ảnh 3.

Ba năm qua, các bên liên quan đã đẩy mạnh điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả các nguồn lực của ĐBSCL. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Chúng ta có thể đưa vào một số tuyến cao tốc, một số đoạn để phấn đấu đến năm 2025, chúng ta có khoảng 300 km đường cao tốc cho khu vực ĐBSCL", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định.

Ngoài việc thu hút các dự án mới theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cũng ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho các tuyến đường cao tốc ở khu vực này nhằm giảm chi phí vận tải, tạo sức bật mới cho khu vực ĐBSCL.

Ngày mai (13/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, mục tiêu là kiểm điểm xem đã làm đến đâu, sẽ làm gì tiếp để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những tồn tại, thách thức như sạt lở bờ sông bờ biển, chất lượng nhân lực, biến động về di dân, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ... sẽ được nhận diện để có giải pháp hiệu quả hơn cho giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2100.

ĐBSCL ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ĐBSCL ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp

VTV.vn - Nhiều địa phương tại ĐBSCL đang thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt kết quả khả quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước