Nghịch lý các tỷ phú từ thiện hàng tỷ USD nhưng tài sản vẫn tăng

VTV Digital-Thứ ba, ngày 22/09/2020 14:34 GMT+7

VTV.vn - Dù đã cam kết cho đi một nửa số của cải của mình sau khi tham gia chương trình từ thiện Giving Pledge, nhưng trên thực tế tổng tài sản của các tỷ phú lại tăng mạnh.

Mới đây, cựu tỷ phú Charles Chuck Feeney đã đặt bút ký lệnh đóng cửa quỹ Atlantic Philanthropies, vì toàn bộ tài sản của ông đã được phân phát hết.

Theo Forbes, trong suốt 4 thập kỷ, thông qua quỹ từ thiện của mình, ông Feeney đã âm thầm quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức, trường đại học và quỹ nhân đạo khắp thế giới, trong đó có 381,6 triệu USD cho nhiều dự án y tế, giáo dục tại Việt Nam.

Điều khiến nhiều người kinh ngạc và cảm phục là ở chỗ ông chỉ để dành 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho 2 vợ chồng, tức số tiền vị cựu tỷ phú cho đi gấp 4.000 lần khoản tiền ông giữ lại.

Nghịch lý các tỷ phú từ thiện hàng tỷ USD nhưng tài sản vẫn tăng - Ảnh 1.

Cựu tỷ phú Charles Chuck Feeney. (Ảnh: Getty)

Quan điểm "cho đi khi còn sống" và tấm lòng của ông Feeney là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy các tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates và Warren Buffett thành lập Giving Pledge, chiến dịch kêu gọi các tỷ phú cho đi ít nhất 50% tài sản, trước khi qua đời. Những kết quả đạt được rất đáng khích lệ.

Theo trang web của chiến dịch này, tính từ năm 2010 đến nay, tổng cộng 210 tỷ phú, từ 23 quốc gia đã tham gia cam kết chia sẻ phần lớn của cải của mình cho cộng đồng.

Việc các tỷ phú cống hiến một phần tài sản của mình để giải quyết các vấn đề chung của xã hội ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch COVID-19.

CNBC trích dẫn một báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Wealth-X cho biết, trong 5 tháng đầu năm, có tới gần 11% số tỷ phú toàn cầu đã ủng hộ tiền cho cuộc chiến chống COVID-19.

Nghịch lý các tỷ phú từ thiện hàng tỷ USD nhưng tài sản vẫn tăng - Ảnh 2.

Tỷ phú Bill Gates. (Ảnh: INC)

Trang America Magazine nhận định, nếu không có hoạt động từ thiện từ các tỷ phú, người nghèo sẽ phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn trong thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, hoạt động từ thiện của các tỷ phú cũng phải đối mặt với nhiều áp lực và vấn đề gây tranh cãi.

Mới đây, Reuters trích dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách (Mỹ) cho thấy, 10 năm sau khi Giving Pledge được thành lập, mặc dù đã cam kết cho đi một nửa số của cải của mình, nhưng trên thực tế tổng tài sản của các tỷ phú đăng ký tham gia chương trình này lại tăng mạnh. Trong số 62 tỷ phú đăng ký tham gia hồi năm 2010, chỉ 11 người có lượng tài sản giảm đi.

"Các tỷ phú tham gia chương trình đặt mục tiêu cho đi một nửa số của cải của mình, thế nhưng thay vào đó, tài sản của họ đã tăng gấp đôi", ông Chuck Collins, Viện Nghiên cứu chính sách (Mỹ), cho biết.

Lý giải cho vấn đề này, báo Người bảo vệ của Anh cho biết, mặc dù các tỷ phú đang sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để làm từ thiện, nhưng khối tài sản của họ đang tăng quá nhanh vì kinh doanh thuận lợi, thậm chí là ngay cả trong đại dịch và vượt xa tốc độ làm từ thiện.

Một nguyên nhân khác được trang tin The Market Watch chỉ ra là phần lớn số tiền được các tỷ phú dành để làm từ thiện không được chuyển trực tiếp đến các tổ chức tại địa phương, mà được đưa vào các quỹ tư nhân hoặc quỹ do nhà tài trợ tư vấn. Lý do là bởi các nhà tài trợ cảm thấy họ cần phải chịu trách nhiệm cho sự thành công hay thất bại của những dự án mà họ tài trợ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến việc cho đi diễn ra chậm hơn so với mong muốn.

Nữ tỷ phú Mackenzie Scott đóng góp tiền trực tiếp cho các tổ chức từ thiện

Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn thực hiện tốt cam kết của mình, các tỷ phú không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường các hoạt động từ thiện, bắt kịp tốc độ gia tăng tài sản của họ.

Nghịch lý các tỷ phú từ thiện hàng tỷ USD nhưng tài sản vẫn tăng - Ảnh 3.

Nữ tỷ phú MacKenzie Scott. (Ảnh: Forbes)

Một ví dụ đáng chú ý được chỉ ra là nữ tỷ phú MacKenzie Scott, vợ cũ của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Hồi tháng 7, bà cho biết đã đóng góp 1,7 tỷ USD trực tiếp cho 116 tổ chức từ thiện mà bản thân bà đánh giá là xứng đáng nhận hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mô hình mà các tỷ phú có thể tham khảo, bởi điều đó sẽ khiến cho sự giúp đỡ sớm đến tay những người cần nó.

Theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, 1% những người có thu nhập cao nhất, có thể nắm giữ tới 24% tài sản của toàn thế giới, khi sự bất bình đẳng về tài sản toàn cầu đang dần gia tăng.

Sự cho đi của những tỷ phú như Chuck Feeney, Bill Gates, Warren Buffett, hay MacKenzie Scott… sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm bớt hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong xã hội, giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Vì sao vị tỷ phú Mỹ Chuck Feeney lại cho đi hết số tiền 8 tỷ USD? Vì sao vị tỷ phú Mỹ Chuck Feeney lại cho đi hết số tiền 8 tỷ USD?

VTV.vn - Sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng. Tỷ phú Mỹ Chuck Feeney giữ quan điểm như thế và đã làm đúng như vậy khi ông cho đi hết số tài sản khổng lồ của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước