Vừa qua, Ban Bí thư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa vì những sai phạm trong quá trình chỉ đạo cổ phần hóa Công ty bóng đèn Điện Quang..
Đây không chỉ là quyết định kỷ luật nghiêm khắc đối với một cán bộ mắc sai phạm mà còn là một chỉ dấu cho thấy đang có một lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa. Những lỗ hổng nếu không được khắc phục sẽ là điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực.
Theo công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định. Với kết luận này, dư luận xã hội có thể đặt câu hỏi: những vi phạm của bà Thoa có liên quan thế nào đến khối tài sản lên hơn 600 tỷ đồng tính theo giá trị cổ phiếu của các thành viên trong gia đình bà Thoa tại Công ty Điện Quang.
Còn theo thông tin trên báo chí, vào cuối năm 2003, giá trị trên sổ sách của doanh nghiệp Điện Quang được xác định là 245 tỷ đồng nhưng khi cổ phần vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ còn 23,5 tỷ đồng.
Câu chuyện cổ phần hóa ở Công ty Điện Quang chỉ là một ví dụ cho thấy những lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa khiến Nhà nước mất đi một khối lượng lớn tài sản và đồng thời có nhiều cá nhân trở nên giàu có một cách nhanh chóng.
Vì thế những lổ hổng như việc định giá thấp doanh nghiệp hay thay đổi quyền để mua cổ phần ưu đãi nhằm trục lợi cần được bịt lại. Đi kèm với đó là cơ chế giám sát quyền lực và chịu trách nhiệm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Và trong thời gian tới, sẽ còn rất nhiều những doanh nghiệp lớn tiến hành cổ phần hóa với khối lượng tài sản khổng lồ. Vì thế, việc đề ra những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả lúc này là cần thiết để ngăn ngừa hành vi trục lợi, cũng như tránh thất thoát tài sản Nhà nước như đã từng xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!