Người chăn nuôi thua lỗ nặng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/05/2023 07:40 GMT+7

VTV.vn - Giá thành chăn nuôi tăng cao, giá đầu ra lại giảm kéo dài khiến người chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ nặng buộc phải "treo chuồng".

Tiêu thụ gia cầm giảm

Có nhiều thời điểm giá bán sản phẩm chăn nuôi gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành, khiến nhiều doanh nghiệp, trang trại đứng trước nguy cơ phá sản. Hàng nghìn cơ sở chăn nuôi đã giảm quy mô sản xuất hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Nguyên nhân bởi thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu là chi phí hiện chiếm 60 - 75% tỷ trọng trong cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi. Giá thế giới lên chi phí trong nước cũng lên, trong khi giá bán trong nước liên tục giảm vì sức mua hạn hẹp.

Bà Hoa là tiểu thương bán gà tại chợ dân sinh Khương Đình, Hà Nội. Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ là nơi bà thường xuyên lấy gà về bán lẻ. Trước đến mối hàng quen, bà lựa chọn mua bán thường rất nhanh nhưng giờ cầm gà lên rồi đặt xuống nhiều lần bà mới quyết định cân vài con.

"Hàng ngày có thể bán 15 - 20 con nhưng bây giờ chỉ được vài con thôi. Hôm nào đắt hàng chỉ được chục con, hôm nào không đắt hàng thì được mấy con thôi", bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Người chăn nuôi thua lỗ nặng - Ảnh 1.

Hàng nghìn cơ sở chăn nuôi đã giảm quy mô sản xuất hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài. Ảnh minh họa.

Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Vỹ, lượng gà tại các trang trại hiện còn nhiều. Nhập về bán giá thấp nhưng tiêu thụ lại rất chậm, mà trong những ngày nắng nóng, vận chuyển, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Lê Ngọc Giang - Tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đầu mối gia cầm Hà Vỹ, Hà Nội cho biết: "Lượng tiêu thụ năm nay bằng nửa năm ngoái. Năm ngoái ngày vài tấn, năm nay chỉ một nửa".

Bà Lê Thị Yến - Tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đầu mối gia cầm Hà Vỹ, Hà Nội cho hay: "Bắt một buổi mà phải bán 2 - 3 ngày mới hết được. Nắng nên gà hao cân lắm, không có lãi đâu".

Chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ là nơi cung cấp lượng lớn gia cầm cho các tỉnh thành khu vực miền Bắc. Theo Ban Quản lý chợ, những tháng trước, trung bình mỗi ngày lượng tiêu thụ gia cầm khoảng 45 - 50 tấn, nhưng hiện tại con số này giảm gần một nửa, chỉ khoảng 25 - 30 tấn.

Giá bán gia cầm đang thấp dưới giá thành

Nếu như cách đây 10 năm, cả nước có tới 10 triệu hộ chăn nuôi, hiện nay chỉ còn chưa tới 2 triệu hộ. Trước những khó khăn kéo dài, tình trạng "treo chuồng" hàng loạt tái diễn ở nhiều địa phương.

Chăn nuôi gà là nghề đã gắn bó với gia đình bà Cấn Thị Quy (phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) từ nhiều năm nay. Giống gà mà bà nuôi là gà mía bản địa và tổng đàn luôn duy trì 6.000 con

Bà Quy cho biết, thời điểm này năm ngoái, chăn nuôi gia cầm mang lại lợi nhuận cao cho các hộ nuôi. Gà chưa đến lứa xuất chuồng thương lái đã đặt mua với giá từ 95.000 - 105.000 đồng/kg Tuy nhiên, thời điểm này các hộ nuôi lại thua lỗ nặng.

"Tại thời điểm này người chăn nuôi đang rất vất vả về vấn đề giá cả. Như nhà tôi giá gà sản xuất ra là 85.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán ra chỉ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Như vậy, nhà tôi bán lỗ tại cửa chuồng là 15.000 - 17.000 đồng/kg", bà Quy cho biết.

Một số doanh nghiệp lớn vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa chăn nuôi với tổng đàn lớn cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ. Giá bán đang ở mức 70 - 75% giá thành chăn nuôi nhưng khó khăn nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Chăn nuôi thua lỗ, các hộ nuôi giảm đàn thậm chí treo chuồng và theo đó đầu ra của thức ăn chăn nuôi cũng bị giảm theo.

"Năm 2021, chúng tôi đã nuôi quy mô tổng đàn là 4 triệu con. Nhưng hiện nay do 3 năm liền thua lỗ, chúng tôi chỉ còn quy mô 2 trại, trong đó tại Bắc Giang chúng tôi nuôi 60.000 con. Trước đây chúng tôi sản xuất và cung ứng thức ăn chăn nuôi tới 12.000 tấn/tháng nhưng bây giờ chỉ còn 3.000 tấn/tháng", ông Bùi Đức Huyên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín nói.

Người chăn nuôi thua lỗ nặng - Ảnh 2.

Nếu như cách đây 10 năm, cả nước có tới 10 triệu hộ chăn nuôi, hiện nay chỉ còn chưa tới 2 triệu hộ. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nhận định: "Do khủng hoảng của COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng của bão giá thức ăn chăn nuôi và đặc biệt là do ảnh hưởng của khối lượng lớn thịt gà nhập khẩu thị trường tiêu thị sản phẩm gia cầm vốn đã khó lại càng khó hơn".

Sẽ cần nhiều giải pháp bình ổn để chống đứt gãy và ổn định ngành chăn nuôi cả trước mắt và lâu dài. Khâu chế biến sâu còn yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tồn tại nhiều bất cập trong việc kết nối giữa sản xuất và thị trường, hiện khâu trung gian có nhiều lợi nhuận nhất. Ngoài ra việc kiểm soát nguồn cung để bảo vệ sản xuất trong nước cũng cần được đặc biệt quan tâm.

Trước phản ánh của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, Thủ tướng đã có công điện hỏa tốc yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương giáp biên giới, tăng cường kiểm soát gia cầm vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước