Một thông báo giảm giá ở một cừa hàng tại London, Anh. Ảnh: Reuters
Nhiều mánh khoé bán hàng của doanh nghiệp Mỹ nay được châu Âu bắt chước. Điển hình nhất là ngày bán hàng giảm giá lớn nhất trong năm, Black Friday, trước chỉ có ở Mỹ, từ mấy năm nay đã lan sang các nước châu Âu.
Mấy ngày vừa qua ở châu Âu cũng có đợt giảm giá khủng nhân ngày Black Friday, một ngày không có trong truyền thống châu Âu. Người tiêu dùng châu Âu vốn quen với 2 mùa giảm giá lớn là sau Noel và đầu mùa hè từ mấy năm nay phần nào thay đổi thói quen mua sắm khi Black Friday từ Mỹ du nhập vào châu Âu.
Tên gọi cái ngày ấy mới mẻ và lạ lẫm với quá nhiều người châu Âu đến mức một tờ báo Dresdner Neueste Nachrichten tại Đức phải giải thích chi tiết: "Black Friday ở Mỹ là ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11, theo truyền thống ở Mỹ là ngày các cửa hàng giảm giá cực kỳ nhiều". Châu Âu không biết đến ngày ấy thì nay các cửa hàng châu Âu mang ngày ấy về cốt để tăng doanh số bán hàng.
Tên gọi Black Friday không biết phải dịch ra sao cho vẫn giữ được nghĩa gốc nên các báo châu Âu để nguyên từ tiếng Anh mà không dịch. Theo tờ Berlingske Tidende của Đan Mạch, tuy là thói quen mới có từ mấy năm nay nhưng ngày này, doanh số bán lẻ tại Đan Mạch tăng tới 50%, trở thành ngày bán hàng tốt nhất trong năm. Bài báo viết: "Các cửa hàng vận hành theo cách làm cho người Đan Mạch nghĩ rằng không nên lỡ một dịp tốt cả năm mới có một lần nên có rất nhiều người tự nhủ ra cửa hàng ngó nghiêng tý thôi nhưng cuối cùng vẫn mua cái gì đó mà thường lại là mua thứ mà họ không thực sự cần đến chỉ vì thứ ấy được giảm giá rất nhiều.
Một số nghiên cứu thị trường tại châu Âu cho biết cách bán hàng này có hiệu quả đối với khách hàng là các gia đình có trẻ em, những người có thu nhập trên trung bình và dưới 50 tuổi. Tờ Le Parisien dẫn nghiên cứu cho biết cứ 3 người Pháp sẽ có 1 người sẽ tranh thủ mua hàng vào ngày này, chủ yếu là đồ điện tử và trò chơi điện tử. Black Friday năm nay, 8 triệu người Pháp dự tính sẽ mua đồ giảm giá, trung bình mỗi người tiêu khoảng 118 EUR, đồng nghĩa tổng doanh số trong ngày này năm nay tại Pháp có thể lên tới 944 triệu EUR.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% doanh nghiệp bán lẻ châu Âu không quan tâm đến cách bán hàng của người Mỹ. Tờ Die Presse tại Áo viết: "Sức mua của một cá nhân hay một gia đình không thể nào tăng đột biến được. Ai mua nhiều vào cuối tháng 11, sẽ mua ít hơn vào dịp Noel".
Chủ một doanh nghiệp bán lẻ nói với tờ báo này rằng "1 ngày giảm giá khủng sẽ bán được rất nhiều hàng nhưng mà trước và sau ngày đó là rất nhiều ngày không bán được gì". Quan trọng hơn theo họ, bán được nhiều hàng hơn chưa chắc đã lãi nhiều hơn. Có nhiều doanh nghiệp phá sản chỉ vì bán được nhiều nhưng theo cách giảm giá. Mà với doanh nghiệp, quan trọng là lợi nhuận là bao nhiêu, chứ không phải số lượng bán ra được nhiều hay ít.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!