Trong ngày cuối cùng của năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức (thuộc TP Hồ Chí Minh) trên cơ sở sáp nhập 3 quận ở phía Đông là: Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức.
TP Thủ Đức có diện tích rộng hơn 211 km2 và hơn 1 triệu dân, đô thị này sẽ đóng góp tới 7% GDP cả nước. Từ những con số ấn tượng này, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã tìm đến khu vực này.
Theo nhà môi giới đất đai ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, thời gian gần đây, rất nhiều người dân đến hỏi mua đất ở khu vực này để đầu tư, khiến giá đất ở đây tăng rất cao so với trước đây.
Khu Đông TP Hồ Chí Minh đang có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Không chỉ người dân ở TP Hồ Chí Minh đổ xô đi mua đất, mà nhiều người từ các thành phố khác cũng tìm đến mua đất đầu tư.
"Hiện đất tăng từ 20 - 30%. Đặc biệt, tâm lý của người đầu tư hay người mua ở họ đều muốn có hộ khẩu ở vị trí ô đất này, đặc biệt là đường 11, đường 8. Còn hầu hết khoảng 70 - 80% nhà đầu tư bất động sản chọn mua đất ở TP Thủ Đức. Nhiều khách từ Hà Nội, Hải Phòng vào đầu tư rất nhiều", anh Đỗ Hoàng Bảo Tiến, Quận 9, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trên thực tế, không chỉ quận Thủ Đức, mà trong thời gian qua, các quận ở khu Đông TP Hồ Chí Minh như: quận 2, quận 9 cũng là những địa điểm mà nhiều nhà đầu tư bất động sản của quan tâm.
Vì sao bất động sản khu Đông hấp dẫn nhà đầu tư?
Theo các chuyên gia, khu Đông TP Hồ Chí Minh đang có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, bởi khu vực này ngoài sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, nơi đây sẽ tập trung xây nhiều dự án có quy mô lớn trong tương lai.
Những năm qua, khu Đông TP Hồ Chí Minh là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông.
Cụ thể, thành phố phía Đông sẽ có Khu đại học ở quận Thủ Đức (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao quận 9 (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như: Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng....
Thực tế, những năm qua, khu Đông TP Hồ Chí Minh là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2020, TP Hồ Chí Minh triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!