Đẩy mạnh việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất..., đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, để thị trường phát triển bền vững là những nội dung chính trong Công điện 965 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương vào cuối tuần qua. Đây cũng là những vấn đề được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm, mong chờ để sớm giúp xử lý những tồn tại, vướng mắc diễn ra trong nhiều năm qua ở không ít địa phương.
Gian nan thủ tục hành chính
Việc tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi với doanh nghiệp, còn với người dân là họ có sớm có nơi ở, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đất đai có tính "khan hiếm". Vai trò của nhà nước ở đây là là làm sao để quản lý, phân bổ cũng như thúc đẩy việc sử dụng nguồn lực khan hiếm này một cách hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Thực tế tại một số địa phương, thu thập thông tin từ nhiều người dân, doanh nghiệp, từ đó mới thực sự cảm nhận được gian nan khi đi làm thủ tục hành chính về đất đai.
Hồ sơ phải nộp đi, nộp lại nhiều lần với thủ tục hành chính phiền hà, thậm chí nhiều dự án kéo dài cả chục năm trời vẫn chưa hoàn tất thủ tục đầu tư. Đây là những vướng mắc cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phản ánh thời gian gian qua khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
(Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Có những dự án 23 năm vẫn chưa xong thủ tục đầu tư. Các quy định pháp luật còn nhiều điều bất cập dẫn đến việc có những dự án đi được một chặng đường thì bị dở dang", ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết.
Vợ chồng chị Nguyễn Thu Mai A có mua 1 thửa đất hơn 40 m2 đã có sổ đỏ từ những năm 2012. Thủ tục đơn giản chỉ là sang tên sổ đỏ, nghĩa vụ tài chính vợ chồng chị cũng đã hoàn thành cách đây gần 12 năm, nhưng từ đó đến nay không biết bao nhiêu lần lên bộ phận 1 cửa, vợ chồng chị vẫn không lấy được kết quả.
"Hẹn trong khoảng 10 - 15 ngày, nhưng khi chúng tôi ra thì bảo chúng tôi chưa có và câu trả lời đó lặp lại rất nhiều năm", chị Nguyễn Thu Mai, người dân nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ, chia sẻ.
Khi gặng hỏi về việc ai là người có trách nhiệm phải giải quyết hồ sơ của mình, kết quả chị Mai nhận được là sự đùn đẩy trách nhiệm của bộ phận này sang bộ phận kia, lòng vòng hết lần này đến lần khác.
Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
Theo khảo sát của VCCI năm 2022, gần 43% doanh nghiệp cho biết thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. Dù kết quả này là tích cực hơn so với năm trước đó, nhưng tác động tiêu cực cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực thủ tục quan trọng khác như đăng ký kinh doanh, sửa đổi nội dung đăng ký kinh doanh và cấp phép kinh doanh có điều kiện… Điểm số gia nhập thị trường của doanh nghiệp giảm trong 10 năm qua.
"Cơ bản chúng ta chậm và nếu như chậm như vậy mà quy hoạch cấp huyện, tức là quy hoạch để chúng ta giao đất, cho thuê đất cứ phải chờ quy hoạch cấp trên thì nhiều khi chúng ta sẽ mất cơ hội đầu tư. Hiện Quốc hội cũng đang thảo luận xem là tháo gỡ như thế nào", ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.
"Một số địa phương, một số dự án họ vẫn làm rất tốt, trong khi một số địa phương, một số dự án khá trì trệ. Do đó ở đây nó sẽ liên quan đến vấn đề năng lực tổ chức thực hiện", ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đánh giá.
"Theo tôi cần tiến hành rà soát lại các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng các cơ chế để thanh tra, kiểm tra, giám sát", ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nêu quan điểm.
"Tôi cho rằng cần phải giám sát ngay từ cả đầu vào và đầu ra. Công tác giám sát không chỉ sơ qua và chỉ nhìn kết quả là trả kết quả đúng lịch hẹn, nhưng trên thực tế kết quả đó lại là trả lại hồ sơ hoặc là một cái giấy hẹn khác nữa", chị Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tại Việt Nam, nhận định.
Có những người đợi ròng rã cả chục năm để xin cấp sổ, nay đã có sổ chỉ sau vài ngày. Việc nhiều khu đất hoang được sớm đừa vào đấu giá quyền sử dụng một cách công khai, minh bạch, một nguồn lực lớn cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội... Như vậy, những vướng mắc đã kịp thời được tháo gỡ. Việc kéo dài làm mất chi phí, mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Công điện của Thủ tướng không chỉ tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mà còn tăng cường trách nhiệm tới từng cấp quản lý địa phương và đặc biệt là nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực rất lớn từ đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!