Theo đó, chính quyền TP Thủ Đức sẽ kết hợp với ứng dụng đặt hàng trực tuyến của Grab để đảm bảo người dân có nhu cầu đặt hàng online liên tục không bị gián đoạn trong thời gian giãn cách.
Người mua cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú.
Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab, đến đơn vị cung ứng để nhận hàng hóa và giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị. Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.
Ngoài ra, các gia đình khó khăn sẽ vẫn được nhận thức ăn và nhu yếu phẩm hỗ trợ từ 70 điểm an sinh xã hội khẩn cấp tại 34 phường, TP Thủ Đức.
Theo thông tin từ Grab, hiện công ty này đang "làm việc chặt chẽ với chính quyền thành phố Thủ Đức để lên phương án phối hợp và vận hành hiệu quả nhất, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân trên địa bàn trong giai đoạn siết chặt giãn cách".
Song song với cách đặt hàng qua ứng dụng Grab, người dân vẫn có thể đặt hàng theo phương thức thủ công (lực lượng đi chợ thay phát và nhận đơn mua hàng bằng giấy của từng hộ gia đình, đảm nhiệm việc mua hàng, đối soát hàng hóa và thu, chi tiền mặt và giao hàng cho người dân).
Cũng theo Grab, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lực lượng đi chợ thay, thay vì sử dụng phương án thủ công sẽ có góp phần tiết kiệm thời gian, công sức cho lực lượng đi chợ thay mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu cho người dân thành phố Thủ Đức. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý (số lượng hàng hóa, tần suất giao dịch, truy vết...).
Với người dân, việc đặt hàng được thuận tiện, trong khi đó, với đơn vị cung ứng hàng hóa (siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi...) do cơ quan chức năng chỉ định, phương thức này giúp tăng hiệu quả kết nối với người tiêu dùng; thuận tiện hơn trong quản lý đơn hàng, doanh thu.
Trước đó, Grab đã đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng của ứng dụng để hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân tại các vùng cam và vùng đỏ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Thông tin trên báo chí, đại điện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh lưu ý, các địa phương đang phối hợp Grab đặt hàng đi chợ hộ là đang tận dụng hạ tầng, vốn được người dân sử dụng nhiều, để đăng ký mua hàng chứ đơn vị này không đi giao hàng trong thời điểm này. Khâu giao hàng vẫn do lực lượng đi chợ hộ của chính quyền đảm nhận, các shipper vẫn chưa được phép hoạt động theo đúng chỉ thị UBND Thành phố.
"Qua những ngày đầu tiên triển khai việc đi chợ hộ thì khó khăn vướng mắc lớn nhất là thanh toán tiền, chúng tôi giao hàng tới và chính quyền địa phương phải ứng tiền trước để thanh toán, sau đó chính quyền địa phương giao đến dân rồi mới thu tiền lại. Nếu có sự tham gia của công nghệ thì sẽ giảm được trung gian", bà Đoàn Kim Hương - Trưởng Phòng Vận hành, AEON Việt Nam cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!