Trong giai đoạn 2021 - 202, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc và cần tới gần 39 triệu m3 cát để thi công. Trong khi đó, toàn bộ lượng cát sông của khu vực này chỉ có khoảng 26 triệu m3.
Việc nghiên cứu tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cho nguồn cát sông là nhu cầu cấp thiết, nhưng phải đến cuối năm nay mới có kết quả, trong khi đó việc thiếu cát đang liên tiếp xuất hiện ở các công trình giao thông trọng điểm.
Tỉnh An Giang, một trong những địa phương có trữ lượng cát sông lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, trữ lượng sát sông trên địa bàn tỉnh này có khoảng 20 triệu m3 và hiện đã lên chương trình cung cấp cho các dự án khoảng 15 triệu m3, chính vì thế để nâng sản lượng cát rất khó khăn.
Việc nghiên cứu tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cho nguồn cát sông là nhu cầu cấp thiết. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Nằm trong khu vực có trữ lượng cát lớn, tỉnh Đồng Tháp hiện cũng đang rà soát lại, trên tinh thần, đảm bảo 7 triệu m3 cát cho các dự án cao tốc trên địa bàn và tiếp tục cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm khác.
Với các địa phương không có nguồn cát tại chỗ càng khó khăn hơn. Đặc biệt với các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km đi qua. Theo chủ đầu tư, dự án cần khoảng 18,5 triệu m3 cát, chính vì thế nhiều địa phương đã phải lên kế hoạch chủ động tìm nguồn cát.
Đến thời điểm này, nhiều dự án giao thông trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu cần vật liệu cát sông. Nhu cầu lớn, nguồn cung cấp hạn chế, đã xuất hiện tăng giá cát ở một vài khu vực. Việc tìm vật liệu thay thế cho cát sông đã được tiến hành, nhưng phải cuối năm mới có kết quả. Trong khi đó, các dự án giao thông trọng điểm không thể triển khai được nếu thiếu nguồn cát này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!