Ảnh minh họa. Nguồn: Calforex
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm hàng nghìn tỷ USD thông qua chương trình nới lỏng định lượng (QE) để kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến 1 lượng USD dồi dào chảy sang châu Á và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Ước tính, cứ mỗi 100 USD tăng lên trong chương trình QE của FED thì có 5 USD chảy sang châu Á.
Và khi những tín hiệu thắt chặt tiền tệ được FED đánh tiếng, không ít chuyên gia phân tích ngân hàng và giới đầu tư đã bắt đầu phải ngồi xuống và thảo luận về nguy cơ "khan" đồng bạc xanh tại những thị trường này.
Có 3 nguyên nhân được cho sẽ dẫn đến sự khan hiếm này, có thể bắt đầu từ ngay trong tháng 6 tới.
Thứ nhất, nhiều đồn đoán cho rằng, FED sẽ có thể tiếp tục nâng 0,25% lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách ngày 14/6.
Thứ hai, hiện các quan chức FED cũng đã thảo luận việc giảm quy mô chương trình QE trị giá 4.500 tỷ USD, khả năng là từ cuối năm nay. Một khi FED giảm mua trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán khác, lượng USD cũng sẽ giảm theo.
Và thứ ba, xuất phát từ chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ Mỹ, chắc chắn nhiều công ty sẽ chuyển lợi nhận bằng đồng USD quay trở lại quê nhà.
Một điều dễ nhận thấy là tình trạng "khan" đồng USD sẽ làm gia tăng chí phí mua đồng tiền này bên ngoài thị trường Mỹ. Và châu Á dự báo sẽ là nơi chịu tác động lớn nhất, khi đây là khu vực có các hoạt động vay tiền đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm tới nay.
Nhìn chung, châu Á sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trước bất kỳ sự thoái lui nào của dòng tiền USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!