Nhà thầu trong cơn “bão giá” vật liệu

Thúy Hằng-Thứ năm, ngày 17/03/2022 18:08 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép đã 3 lần tăng giá, các nguyên, vật liệu khác như xi măng, cát cũng được điều chỉnh tăng, khiến các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, trong khi hợp đồng không thay đổi. Cách đây ít ngày, Tập đoàn Phục Hưng đã phải chủ động mua tồn trữ các nguyên, vật liệu.

"Thứ nhất là cố định chi phí đầu vào bằng cách mua tồn trữ đặt hàng với các hợp đồng đã ký kết để đảm bảo nguyên, vật liệu cung cấp cho hợp đồng. Thứ hai là đưa ra các giải pháp tiết kiệm các chi phí tiêu hao để giảm tiêu hao vật liệu xuống thấp nhất, đồng thời giảm giá thành, cải thiện biên lợi nhuận. Thứ bà là hỗ trợ người lao động để tăng năng suất lao động", ông Trần Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phục Hưng, cho biết.

Nhiều chủ đầu tư khác cũng phải tìm cách đưa thêm các công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động để bù đắp vào phần nguyên, vật liệu tăng cao.

Nhà thầu trong cơn “bão giá” vật liệu - Ảnh 1.

Trước việc giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao, không ít nhà thầu đã phải tìm cách ứng phó để có thể duy trì được tiến độ thi công công trình. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Giải pháp của các chủ đầu tư hiện rất khó, nhưng họ phải xem xét lại biên lợi nhuận bị cắt giảm, tối ưu quá trình đưa công nghệ vào, cắt giảm nhân lực, nâng cao năng suất lao động thì mới bù đắp được những biến động kinh khủng của giá xăng, giá thép, giá xi măng", ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, chia sẻ.

Theo các chuyên gia, dù nhiều nhà đầu tư đã chủ động tìm cách để ứng phó, thích nghi với biến động của giá nguyên, vật liệu. Tuy nhiên, với mức giá nguyên, vật liệu tăng cao bất thường như hiện nay, có thể đưa vào trường hợp bất khả kháng nên có giải pháp cho biện pháp bù giá cho các nhà thầu thi công các dự án.

"Biến động về giá vượt quá 3 - 5% nên trong trường hợp này chúng tôi kêu gọi sự thương lượng giữa chủ đầu tư và nhà thầu để chỉnh sửa lại đơn giá hợp đồng, nhất là trong trường hợp đơn giá không điều chỉnh hoặc hợp đồng trọn gói. Còn đối với công trình đầu tư công, chúng tôi đề nghị phải sử dụng quỹ dự phòng để giải quyết cho việc vật tư tăng giá", Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Sắp tới khi các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ngoài nỗ lực của các nhà thầu, việc có thêm những giải pháp hỗ trợ sẽ giúp các dự án thi công đúng tiến độ, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế.

Xi măng “rục rịch” tăng giá bán Xi măng “rục rịch” tăng giá bán

VTV.vn - Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá thành sản phẩm tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng phải điều chỉnh giá bán để ổn định sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước