Nhận định chứng khoán tuần từ 13 - 17/6: Thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh

TTXVN-Thứ bảy, ngày 11/06/2022 18:07 GMT+7

VTV.vn - Sau 3 tuần phục hồi liên tiếp, VN-Index đã giảm nhẹ trở lại sau 2 phiên vượt ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm.

Thậm chí, chỉ số này có lúc còn tiến khá gần với mốc kháng cự 1.320 điểm. Vì vậy, giới phân tích nhận định, có thể thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh tất yếu, nhưng là cần thiết để tích lũy thêm trước khi có đợt tăng giá mới.

Nhịp điều chỉnh ngắn hạn

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, với diễn biến hiện tại, chỉ số VN-Index sẽ kiểm lại vùng hỗ trợ quan trọng 1.280 điểm trong phiên tới. Nếu tiếp tục duy trì được trên ngưỡng này, chỉ số vẫn có cơ hội quay lại kiểm định vùng kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu cắt xuống dưới mốc 1.280, VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng hỗ trợ quanh 1.250 - 1.261 điểm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), với việc VN-Index trong tuần đã vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, nhưng với động lực yếu và sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp rất có thể thị trường sẽ đối diện với khả năng điều chỉnh để kiểm tra lại ngưỡng này và thực tế thị trường đã có phiên cuối tuần giảm điểm mạnh, đóng cửa dưới 1.300 điểm.

Nhịp điều chỉnh hiện tại không hẳn mang tính chất tiêu cực mà nó mang tính chất "rũ bỏ" và tích lũy thêm chờ cơ hội để bùng nổ vượt ngưỡng tâm lý một lần nữa.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, đang có sự ủng hộ cho xu hướng hồi phục, với việc chỉ số VN-Index đã bật thoát xa ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm là mốc đầu tiên sóng hồi phục tiếp theo.

Tuy nhiên, ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm đang bị thử thách khi thị trường có phiên bùng nổ vượt ngưỡng này trong tuần, nhưng đã giảm trở lại khi phiên cuối tuần cổ phiếu bị bán mạnh.

Rất có thể thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh tất yếu và cần thiết để tích lũy thêm trước khi có đợt tăng giá mới để tiếp tục vượt lên. Dự báo điều chỉnh đã được SHS liên tục nhận định trong các bản tin ngày thời gian qua.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 13 -15 điểm cho thấy các nhà giao dịch cũng đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh.

Theo SHS, thị trường đã hồi phục mạnh từ đáy nhưng định giá vẫn đang ở mức hấp dẫn khi P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) vẫn chỉ quanh 14 lần. Nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn đang có định giá hấp dẫn, đợt điều chỉnh đang diễn ra sẽ là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Nhận định chứng khoán tuần từ 13 - 17/6: Thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh - Ảnh 1.

Với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2022 khá ấn tượng, do đó mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng cơ hội giải ngân ở các nhịp điều chỉnh của thị trường, SHS khuyến nghị.

Thực tế, thị trường tăng điểm trong 3 phiên đầu tuần nhưng giảm điểm 2 phiên sau đó, đặc biệt giảm mạnh trong phiên cuối tuần đã khiến chỉ số VN-Index kết phiên giảm nhẹ so với tuần trước đó.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 3,9 điểm xuống 1.284,08 điểm, HNX-Index giảm 4,04 điểm xuống 306,44 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 4% so với tuần trước đó, đạt 81.169 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 4,1% lên 2.914 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 17,5% so với tuần trước đó, đạt 12.050 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 12,8% lên 473 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin giảm mạnh nhất trong tuần qua với 3,3% giá trị vốn hóa, do trụ cột trong nhóm là FPT giảm 3,5% và CMG giảm 1,8%.

Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng giảm 1,5% giá trị vốn hóa, do sự điều chỉnh của các cổ phiếu trong ngành như: GAS giảm 4,4%, REE giảm 3,1%...

Nhóm ngành tài chính giảm 1,1% giá trị vốn hóa, vì các mã cổ phiếu bất động sản như: VIC giảm 1%, VHM giảm 1,6% và các cổ phiếu chứng khoán như: SSI giảm 4,8%, HCM giảm 4,5%...

Ở chiều tích cực, dầu khí là ngành có diễn biến tích cực với BSR tăng 9,8%, PVS tăng 5,1%, PVD tăng 0,1%.

Nhóm ngành nguyên vật liệu cũng tăng 1,1% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ cổ phiếu DGC tăng 10,1%. Các nhóm ngành còn lại đều có mức biến động nhỏ.

Theo Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), trong tuần nhóm cổ phiếu ngành điện và khu công nghiệp có diễn biến tích cực, 4 cổ phiếu thuộc các ngành này là GVR tăng 4,4%, POW tăng 11,1%, VGC tăng 13,5% và GEX tăng 8,6% đã lọt vào nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index.

Dẫn đầu các cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến chỉ số là MSN và TCB với mức ảnh hưởng lần lượt là 1,5 điểm và 1,3 điểm.

GAS trở thành cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất, với mức ảnh hưởng giảm 2,7 điểm đến chỉ số VN-Index.

Khối ngoại có tuần giao dịch tích cực khi mua ròng trong cả 5 phiên với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 770 tỷ đồng. Dẫn đầu danh sách mua ròng là chứng chỉ quỹ VN-Diamond (mã chứng khoán: FUEVFVND) với giá trị 478 tỷ đồng, tiếp theo là DPM và MSN có giá trị mua ròng lần lượt đạt 372 tỷ đồng và 244 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, ở mức 262 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, VN-Index vượt và giữ được mốc 1.300 điểm chỉ trong 2 phiên cho thấy tâm lý lo ngại mua trên ngưỡng 1.300 điểm đang cản bước hồi phục của chỉ số này. Đặc biệt, có thời điểm VN-Index đã tiến khá gần với mốc kháng cự 1.320 điểm, nhưng sau đó đã giảm trở lại, do đó trong ngắn hạn VN-Index có thể đang bước vào nhịp điều chỉnh.

Chứng khoán thế giới giảm mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh.

Nhận định chứng khoán tuần từ 13 - 17/6: Thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh - Ảnh 2.

Cụ thể, phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/6, sắc đỏ tiếp tục thống lĩnh Phố Wall, sau khi báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá nhanh hơn dự báo và tâm lý người tiêu dùng xuống mức thấp kỷ lục, củng cố thêm lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực hơn trong nỗ lực nâng lãi suất.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2,73% xuống 31.392,79 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 2,91% xuống 3.900,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 3,52% xuống 11.340,02 điểm.

Cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 21/1. Chỉ số Dow Jones giảm 4,58%, S&P 500 hạ 5,06% và Nasdaq hạ 5,60%.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát của nước này cán mốc 8,6% trong tháng Năm vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 1981, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa thấy có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Lạm phát tăng mạnh do giá các loại nhiên liệu tăng 34,6% và giá thực phẩm thiết yếu tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1979. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, áp lực lạm phát tháng Năm có thể thấy rõ trên diện rộng, nhất là do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa kiểm soát dịch và một số nhà máy lọc dầu lớn tạm đóng cửa và nhiều khả năng lạm phát sẽ lên tới 9% vào tháng Sáu.

Nhà đầu tư dường như đang chuẩn bị cho một phản ứng quyết liệt hơn của Fed để đối phó với lạm phát tăng cao. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn được xem như một trong những kênh nhạy cảm nhất đối với động thái nâng lãi suất của Fed đã vượt mức 3% vào ngày 10/6, chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực khi nhà đầu tư đối mặt với lãi suất cao và khả năng suy thoái. Cổ phiếu Netflix mất hơn 5% sau khi bị Goldman Sachs hạ bậc tín nhiệm. Cổ phiếu Nvidia sụt gần 6%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng "đỏ lửa", phản ánh rõ lo ngại về lạm phát. Cổ phiếu Wells Fargo giảm 6%, cổ phiếu Goldman Sachs mất hơn 5%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước