Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,84 tỷ USD).
Như vậy, tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, đáng chú ý, nhóm hàng tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Trong 10 tháng, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh với 23,7% (tương ứng tăng 16,9 tỷ USD).
Cũng theo Tổng cục Hải quan, với tổng kim ngạch 10 tháng đạt 88,25 tỷ USD, riêng nhóm hàng này chiếm đến 28,26% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì vị trí số 1 về kim ngạch trong các nhóm hàng nhập khẩu của nước ta. Hiện thị trường lớn cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam như: Trung Quốc đạt 28,52 tỷ USD, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023; Hàn Quốc đạt 26,39 tỷ USD, tăng 14,2%; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 11,35 tỷ USD, tăng 32,8%...
Theo dự báo, nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện có thể đạt 100 tỷ USD năm 2024. Có thể thấy, nhiều năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in…
Ngoài ra, các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khoảng 18% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!