Nhập khẩu máy biến thế 40 tuổi chứa dầu độc - Trách nhiệm thuộc về ai?

Bạch Hoàn-Thứ sáu, ngày 15/08/2014 14:49 GMT+7

Máy biến thế 40 tuổi chứa hàng ngàn lít dầu độc hại vẫn đang nằm ở cảng Cái Lân mà vẫn không có biện pháp xử lý, trong khi đó, chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm khi cho nhập khẩu lô hàng này.

Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, Cảng Cái Lân ở Quảng Ninh, cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh - Tất cả những cơ quan, ban ngành này hiện nay đang đau đầu vì một lượng dầu độc có nguồn gốc từ một chiếc máy biến thế cũ nhập khẩu.

Hàng ngàn lít dầu có có tồn dư PCB - một hợp chất hữu cơ có mức độ độc hại được cho chỉ đứng sau chất độc da cam dioxin vẫn đang nằm ở cảng Cái Lân mà vẫn không có biện pháp xử lý. Trong khi đó, chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm khi cho nhập khẩu những thiết bị cũ kĩ, lạc hậu và vô cùng độc hại này.

Tại bãi tập kết hàng nhập khẩu ở cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh, bất chấp mọi thời tiết, suốt từ tháng 11/2007 đến nay, một chiếc máy biến thế cũ nhập khẩu từ Hàn Quốc vẫn nằm ở đây. Chiếc máy này thuộc một phần trong lô hàng thiết bị máy móc cũ nhập khẩu phục vụ xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, do Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long nhập khẩu về từ Hàn Quốc.

‘ Máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB bị bỏ ngoài trời gần bảy năm tại cảng Cái Lân. (Ảnh: Tiền phong)

 

 

Ông Phạm Văn Hải, Chi cục hải quan cảng Cái Lân cho biết: “Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp khai báo nhập máy biến thế khô. Nhưng khi kiểm tra hồ sơ thấy có bất thường, chúng tôi chuyển sang kiểm tra thực tế 10% hàng hóa, rồi nâng lên 100% và phát hiện trong máy có chứa dầu”.

Sau khi kiểm tra chứa dầu độc, cơ quan hải quan đã không cho thông quan lô hàng này và yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất.

Ông Hải cho biết thêm, mặc dù phía cơ quan chức năng đã nhiều lần gửi công văn cho doanh nghiệp yêu cầu tái xuất nhưng doanh nghiệp cho biết phía Hàn Quốc không nhận lại. Vì thế, hiện nay cơ quan hải quan chưa biết xử lý như thế nào, chỉ giao doanh nghiệp tự bảo quản.

Sau suốt 7 năm nằm chơ vơ ngoài bãi cảng, 3 tháng trước, máy biến thế đã được đưa vào container và khoảng 6.700 lít hỗn hợp dầu độc trong máy cũng được hút ra trữ ở đây.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng chất độc PCB trong dầu là 84,74 ppm. Trong khi ngưỡng tối đa được phép chỉ 50 ppm.

Nếu vẫn cứ để doanh nghiệp phải tự bảo quản hàng, tự tìm cách xử lý hoàn toàn có khả năng, số dầu độc này sẽ còn nằm ở đây thêm 7 năm nữa, thậm chí còn lâu hơn thế.

Không tái xuất được là dễ hiểu. Bởi lô máy móc, thiết bị này là máy móc cũ, được tháo dỡ ra từ hai nhà máy điện của Hàn Quốc được xây dựng từ những năm 70 của thế kỉ trước. Nhà máy vốn đã ngưng hoạt động, máy móc thiệt bị đắp chiếu từ năm 2004 thế nhưng Cửu Long Vinashin vẫn nhập về. Tổng giá trị lô hàng là 3 triệu USD. Riêng máy biến thế chứa dầu độc trị giá 110.000 USD.

Phía Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, lô máy móc thiết bị đã quá cũ. Đó là lý do không thể tái xuất.

Theo cơ quan hải quan, các thiết bị còn lại trong lô hàng đã được thông quan căn cứ trên giấy phép phê duyệt danh mục thiết bị cũ nhập khẩu do Sở Công nghiệp Nam Định, nay là Sở Công thương Nam Định, cấp. Tuy nhiên, đến nay khi lô hàng nằm kẹt ở cảng, việc xử lý lại chỉ phó mặc cho phía hải quan, môi trường, còn những người cho phép nhập khẩu thì gần như không thấy có trách nhiệm gì.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước