Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review.
Phát biểu một cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington ngày 22/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này "không còn trong tình trạng thiểu phát", nhưng lạm phát vẫn chỉ biến động trong khoảng từ 0,5% đến 1%, thấp hơn so với con số mục tiêu 2% của BoJ.
Chính vì vậy, ông Kuroda khẳng định "BoJ sẽ kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm duy trì động lực hiện nay hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2%".
Trong tháng 5/2019, lạm phát lõi của Nhật Bản chỉ tăng 0,8%, thấp hơn khá nhiều so với con số mục tiêu 2% của BoJ, bất chấp việc ngân hàng này đã thực thi chính sách tiền tệ siêu lỏng trong sáu năm qua. Mặc dù vậy, trong cuộc họp chính sách vào tháng trước, Hội đồng Chính sách BoJ vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát sẽ tăng dần lên mức 2%.
Liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, Thống đốc Kuroda nhấn mạnh gần đây, các bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng và có những lo lắng trên các thị trường tài chính toàn cầu. Theo hãng tin Kyodo News, có vẻ như người đứng đầu BoJ đang ám chỉ tới các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
Trong bối cảnh đó, ông Kuroda cho biết BoJ cần theo dõi sát các ảnh hưởng của những diễn biến này tới tình hình giá cả và hoạt động kinh tế của Nhật Bản.
Bình luận về kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook, Thống đốc BoJ cho rằng Libra có thể có tác động đáng kể tới hệ thống tài chính này nếu nó được phát hành và sử dụng một cách rộng rãi bởi người dân trong các hoạt động thanh toán.
Theo ông Kuroda, tại Nhật Bản, các hộ gia đình vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán. Tuy nhiên, trong dài hạn, đồng Libra có thể sẽ thay thế hệ thống tài chính dựa trên các ngân hàng hiện nay một khi nó được phát hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!