Công ty sản xuất chất bán dẫn Radius - một liên minh của 8 tập đoàn lớn của Nhật Bản - đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới, nhằm thúc đẩy sản xuất thế hệ chất bán dẫn hiện đại nhất.
Nhà máy sẽ được đặt tại thành phố Chitose thuộc Hokkaido với diện tích khoảng 100 ha và vốn đầu tư khoảng 40 tỷ USD, trong đó 15 tỷ USD sẽ được sử dụng để phát triển công nghệ và 25 tỷ USD để mở rộng sản xuất chất bán dẫn hàng loạt. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cung cấp một khoản trợ cấp lớn cho hoạt động sản xuất để khôi phục lại vị thế của ngành bán dẫn trong nước.
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2027. Công ty Radius sẽ hợp tác với hãng IBM của Mỹ để sản xuất chất bán dẫn hiện đại nhất với kích thước chỉ 2 nanomet. Công nghệ bán dẫn này được cho sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực tiên tiến như lái xe tự động hay trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhật Bản đang trên đường trở lại là cường quốc về chất bán dẫn. Ảnh minh họa.
Từng dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn những năm 1980 nhưng các nhà sản xuất của Nhật Bản đã bị các nhà sản xuất khác như Đài Loan (Trung Quốc) hay là Hàn Quốc vượt qua.
Hiện công nghệ bán dẫn hiện đại nhất trên thị trường có kích thước từ 5 - 7 nanomet. Ông lớn của ngành bán dẫn là tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang có kế hoạch phát triển công nghệ bán dẫn mới có kích thước 2 nanomet vào năm 2027. Công ty Radius có kế hoạch tương tự nhưng sẽ rất khó khăn khi Nhật Bản đã bỏ trống ngành công nghiệp bán dẫn quá lâu.
Theo các chuyên gia, Nhật Bản không phải là nhà sản xuất nhưng chính là nhà cung cấp vật liệu và máy móc quan trọng cho hai gã khổng lồ trong ngành bán dẫn là TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc. Do đó, với lợi thế này, nếu đảm bảo thêm yếu tố nguồn nhân lực, các tập đoàn của Nhật Bản hoàn toàn có thể thực hiện tham vọng trở lại vị thế số 1 của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!