Làm việc tại Nhật Bản đang là cơ hội lớn dành cho các lao động được đào tạo bài bản và có tay nghề cao của Việt Nam hiện nay. Theo đó, người lao động sẽ biết trước được thu nhập, nơi làm việc. Sau khi về nước, trừ các chi phí sinh hoạt, mỗi lao động Việt Nam có thể để dành từ 500 - 800 triệu đồng. Tuy nhiên, để đáp ứng được những điều kiện khắt khe của thị trường lao động Nhật Bản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động phải kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp Nhật Bản với người lao động ngay từ trước khi đào tạo để tránh rủi ro khi làm việc tại nước ngoài.
Y tế, xây dựng, điện tử, cơ khí chế tạo và thực phẩm… là những lĩnh vực đang có nhu cầu lao động lớn tại Nhật Bản. Để đáp ứng được những điều kiện của thị trường khó tính này, người lao động không chỉ cần có tay nghề mà đòi hỏi phải có một trình độ hiểu biết nhất định, kể cả về luật pháp. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò kết nối đơn vị đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động, đồng thời phải đồng hành cùng người lao động trong suốt quá trình làm việc để giải quyết những rủi ro có thể xảy ra khi công việc thực tế không như cam kết ban đầu.
Luật mới của Nhật Bản cho phép tiếp nhận ít nhất 345.000 nhân công nước ngoài thuộc 14 lĩnh vực nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang ở mức báo động ở nước này. Đây sẽ là cơ hội lớn cho nhiều lao động muốn đi làm việc tại đây. Cơ hội làm việc không chỉ dừng lại ở 3 năm mà còn có thể kéo dài đến 5 năm tùy thuộc vào trình độ của người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!