"Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" là những dòng chữ được dán sau đuôi xe taxi Vinasun và một vài hãng taxi khác để phản đối taxi công nghệ. Sau đó, trên mạng xã hội ngay lập tức đã xuất hiện khá nhiều tranh biếm họa về vụ việc này.
Mặc dù khẩu hiệu ghi rất rõ, "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ luật pháp Việt Nam" nhưng theo Báo Công an Nhân dân tham khảo ý kiến của đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi trên của Vinasun là có dấu hiệu phạm luật.
Cụ thể, Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 quy định "Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó". Vì vậy, Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan Quản lý cạnh tranh nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.
Chiều 9/10, nhiều taxi Vinasun tại TP.HCM vẫn dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab (Ảnh: Gia Minh/Báo NLĐ)
Báo Tuổi trẻ cũng cho hay, lo ngại dư luận không tốt, Sở GTVT TP.HCM đã nhanh chóng chỉ đạo taxi Vinasun phải gỡ ngay những khẩu hiệu này. Tuy nhiên, rất nhiều tờ báo cũng đặt ra cùng một câu hỏi: Tại sao taxi truyền thống phải "bôi xấu" Grab, Uber?
Báo GTVT đưa ra ý kiến, xét trên khía cạnh pháp lý, taxi truyền thống đúng là đang phải chịu sự cạnh tranh không công bằng với Uber, Grab trên một số khía cạnh như nhân công, bảo hiểm, nghĩa vụ nộp thuế hay việc phải đáp ứng những quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh taxi.
Tờ Thời báo kinh doanh đặt ra câu hỏi: Vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu trong sự việc này? Bởi lẽ ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh được nhập khẩu, không chỉ riêng lĩnh vực vận tải hành khách, mà mới đây cây xăng mang thương hiệu Nhật Bản - Idemitsu đã xuất hiện.
Báo Lao động cảnh báo: Đừng tưởng Petrolimex hay PV Oil sở hữu vài nghìn cửa hàng xăng dầu ở những vị trí tốt là không sợ đối thủ đến sau bởi Idemitsu có ưu điểm khác như áp dụng phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ, để ngăn ngừa chuyện ăn gian trong mua bán và nhiều tiện ích khác. Vì vậy, quản lý thế nào cho đúng khuôn khổ pháp lý, làm sao để tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng và không lách luật giữa các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.
Liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ, một gợi ý khá thú vị đăng trên tờ Thời báo kinh doanh: Tại sao taxi Mai Linh không nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam và sử dụng hệ thống công nghệ của họ để khai thác hiệu quả hơn, nhất là khi Uber đang đuối sức và có dấu hiệu muốn rút khỏi Việt Nam? Bởi suy cho cùng, chính sách không thể can thiệp sâu để cứu taxi truyền thống nếu như họ không tự thay đổi để cứu lấy chính mình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!