Dệt may Việt Nam hiện chiếm thị phần rất nhỏ tại thị trường Canada.
Ngày 21/8/2018 đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada. 45 năm qua, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và cùng ký kết Hiệp định Toàn bộ và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho quan hệ thương mại song phương.
Bà Ping Kitnikone - Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam là đối tác thương mại song phương lớn nhất của Canada kể từ năm 2015, trong đó, Việt Nam ghi nhận xuất siêu. Với CPTPP, sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Canada, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp Canada đang hướng tới các thị trường Việt Nam".
Theo các chuyên gia kinh tế, Canada là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho ngành dệt may của Việt Nam.
"Hiện nay, gần như chúng ta có thị phần rất nhỏ tại thị trường Canada. Trong khi đó, thị trường này dùng đến cả chục tỷ USD hàng hóa dệt may. Cải thiện được thị phần ở đây có thể đem về cho Việt Nam hàng tỷ USD kim ngạch", ông Lê tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada cũng có tiềm năng lớn, đặc biệt là xuất khẩu tôm. Theo Cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Canada có những yêu cầu về thủy sản khắt khe. Vì vậy, việc xuất khẩu sang thị trường Canada sẽ giúp thủy sản Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường khó tính khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!