Tại tỉnh Bình Dương, đã có hàng chục DN đầu tư hàng trăm triệu USD. Do đó, nhiều DN không khỏi hụt hẫng sau khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Dù vậy, việc đầu tư vào nhà máy nguyên liệu dệt may vẫn tiếp tục, bởi đó là chiến lược lâu dài.
Hoạt động 14 năm qua, chủ yếu làm gia công và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Công ty May Quốc tế đã khẩn trương đầu tư một nhà máy dệt nhuộm ở Đồng Nai để đón đầu TPP và chuẩn bị đi vào hoạt động đầu năm sau.
Việc xây dựng được nhà máy giúp DN chủ động được nguồn nguyên liệu và từ đó có kế hoạch làm việc với khách hàng để có thêm đơn hàng. Tuy nhiên, thông tin Mỹ rút khỏi TPP khiến DN không khỏi hụt hẫng.
Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam cũng đã hoạt động tại Việt Nam hơn chục năm nay, tất cả nguồn nguyên liệu dệt may đều lấy từ Trung Quốc. Năm 2015, doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy dệt nhuộm tại Bình Dương, cũng một phần là để đón đầu TPP. Nhà máy đã xong giai đoạn 1 và đi vào hoạt động 1 năm nay.
Lo lắng phần nào về TPP, DN này cho biết sẽ phải tính toán kỹ càng hơn cho việc đầu tư vào giai đoạn 2,3 của nhà máy. Tuy nhiên về lâu dài, chiến lược xây dựng nhà máy để khép kín quy trình sản xuất dệt may vẫn phải được triển khai đầu tư tại Việt Nam.
Các DN cho biết, hiệp định TPP đã giúp họ mạnh dạn đầu tư nhà máy dệt nhuộm, điều mà bấy lâu nay các DN chần chừ không làm.
Về lâu dài, đây là điều kiện cần để ngành dệt may Việt Nam tiến dần đến việc hoàn thiện quy trình sản xuất, tránh bị phụ thuộc đến gần 90% nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!