Nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với hạn hán

Như Anh-Thứ ba, ngày 23/08/2022 08:02 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu đang chật vật đối phó với hiện tượng nắng nóng cực độ, gây thiệt hại lớn tới rất nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau.

Tại một trang trại cá vược ở thành phố Nam Hải, Trung Quốc, nhiệt độ mùa hè tăng quá cao đã khiến cá vược ở đây chết hàng loạt nổi lềnh bền, khiến trang trại thua lỗ 15 triệu USD.

Hạn hán, nắng nóng khiến nguồn nước bị hao hụt, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lượng điện. Tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), toàn bộ nhà máy đã được yêu cầu đóng cửa trong 6 ngày để tiết kiệm năng lượng. Mới đây, nhà sản xuất nhôm Henan Zhongfu, và nhà máy hoá chất nông nghiệp Guoguang thông báo rằng các hoạt động sản xuất tạm dừng hoàn toàn trong tuần này. Một nhà máy sản xuất hợp kim khác thì đã cắt giảm hơn 60% sản lượng. Tứ Xuyên là trung tâm sản xuất các sản phẩm bán dẫn và pin mặt trời của Trung Quốc. Việc thiếu điện sẽ tác động đến các nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp điện tử lớn, như Foxconn hay Intel.

Đáng lo ngại, không chỉ Tứ Xuyên mà nhiều tỉnh khác như Chiết Giang, Giang Tô, An Huy cũng đã phát đi thông báo cắt điện đối với các đơn vị sản xuất.

Còn tại châu Âu, một mùa hè với nhiệt độ cao kỉ lục, lượng mưa ít ỏi, đã khiến mực nước nhiều lòng sông hồ ở đây bị khô cạn - khiến tàu thuyền không di chuyển được, gây ra tình trạng ùn ứ hàng hoá. Ví dụ như tại Đức, tàu chở than đá và hóa chất không thể đi qua sông Rhine như bình thường.

Ông Christian Hellbach, Phát ngôn viên Cục hàng hải vùng sông Rhine, cho biết: "Ở khu vực Cologne, có chỗ mực nước sông chỉ còn sâu 2 mét. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể chất lượng hàng sao cho thân tàu chìm xuống tối đa 2m dưới mặt nước, thay vì 4,5m như mọi khi". Mực nước sông Rhine xuống thấp từng khiến GDP Đức giảm 0,3% trong năm 2018.

Còn tại bờ Tây nước Mỹ, người dân được đề nghị dùng ít điện lại khi nhiệt độ tăng vọt. Gần 75% nông dân Mỹ cho biết khô hạn năm nay đang hủy hoại vụ mùa của họ, gây ra tổn thất lớn về thu nhập

Kinh tế toàn cầu vốn đang chịu sức ép. Châu Âu hiện có rủi ro suy thoái cao. Lạm phát và các đợt nâng lãi mạnh tay của FED cũng đang đe dọa tăng trưởng tại Mỹ. Trung Quốc thì đang vật lộn với hậu quả của chiến dịch phong tỏa chống COVID-19 và khủng hoảng bất động sản. Thời tiết khắc nghiệt có thể càng làm trầm trọng thêm "các điểm nghẽn vốn có" trong chuỗi cung ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước