Trên thế giới, sau hơn 2 năm các ngành nghề bị tác động bởi đại dịch COVID-19, số người lao động muốn tìm công việc: có thời gian, nơi làm việc linh hoạt và an toàn đang ngày càng gia tăng.
Nhiều người đã quen với cách làm việc từ xa. Thực tế này đang trở thành một thách thức, đối với nhiều doanh nghiệp, khi nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại và các công ty bắt đầu tìm cách đưa nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
Dịch COVID-19 hoành hành đã khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến vừa để đảm công việc chuyên môn không bị gián đoạn, vừa bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến. (Ảnh minh họa - Ảnh: ABC News)
Đến nay, khi các nước đang quay trở lại cuộc sống thường nhật, các công ty cũng dần tăng số lượng người làm việc trực tiếp và tiến tới toàn bộ nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng dù muốn hay không.
"Từ sau đại dịch, tôi hài lòng với làm việc từ xa. Tôi có thể làm nhiều việc cùng lúc, chỉ cần một chiếc máy tính xách tay kết nối Internet là tôi có thể làm việc ở bất cứ đâu. Thuận tiện và hiệu quả hơn là làm việc trực tiếp từ văn phòng", anh Samie Dorgham, nhân viên, Công ty khởi nghiệp về AI, London, chia sẻ.
Một cuộc thăm dò do công ty khảo sát ADP thực hiện với sự tham gia của 33.000 người trên toàn thế giới cho thấy 2/3 số người được hỏi cho biết họ sẽ xem xét tìm việc làm mới nếu phải bắt buộc quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian một cách không cần thiết.
Trong kết quả khảo sát được công bố ngày 25/4, số người cảm thấy lĩnh vực làm việc của họ an toàn hiện là 25%, giảm so với 26% của cuộc khảo sát tương tự vào năm 2021. Cũng trong khoảng thời gian này, số người có ý kiến sẽ xem xét "nhảy" việc tăng từ 15% lên 23%, trong đó gần 30% cho biết đã bắt đầu tìm việc mới.
Theo ADP, sở dĩ có sự thay đổi này là do đại dịch COVID-19 đã khiến người lao động cân nhắc lại những ưu tiên và họ sẵn sàng bỏ việc nếu chủ lao động không đáp ứng những yêu cầu của họ.
Các dữ liệu thu thập từ Mỹ cho thấy tình trạng người lao động "nhảy" việc hay việc thiếu lao động tại các doanh nghiệp diễn ra ở mức độ cao, trong khi các công ty đang chật vật tuyển dụng và giữ chân người lao động.
Tờ Business Insider thậm chí còn giật dòng tít "GenZ sẽ bỏ việc nếu phải quay trở lại làm việc tại văn phòng". Sự mất cân bằng giữa số lượng người tìm việc và số người lao động cần được tuyển dụng để lấp chỗ trống đang khiến mức lương tại một số ngành tăng.
Với kết quả khảo sát trên, nhiều khả năng các công ty sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động và việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này quả thực không dễ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!