Để giải quyết khó khăn, không ít người đã quyết định mở các quầy bán hàng rong, để có thêm thu nhập chi trả sinh hoạt phí, trong khi chờ đợi những cơ hội việc làm khác tốt hơn.
Cứ mỗi buổi tối, anh Parhati lại có mặt tại một góc phố ở Thượng Hải, mở một quầy bán trà chanh bằng chiếc xe ô tô của mình. Mặc dù đang có công việc toàn thời gian là kỹ thuật viên công nghệ thông tin, anh Parhati vẫn đều đặn bán những cốc trà chanh với giá khoảng 10 Nhân dân tệ (gần 33.000 đồng) để có thêm thu nhập và trang trải phần nào chi phí sinh hoạt. Anh cũng cho biết, đã có thêm nhiều kỹ năng hữu ích từ công việc mới này.
Anh Parhati chia sẻ: "Khi sống ở một thành phố lớn như Thượng Hải, tiền thuê nhà chiếm một phần lớn trong chi phí sinh hoạt. Sẽ rất tốt nếu việc bán hàng rong giúp tôi có thể trang trải tiền thuê nhà.".
Trước đây, anh Parhati từng làm nhiều công việc bán thời gian khác, nhưng các phân khúc thị trường này đều đã thu hẹp đáng kể trong thời gian gần đây, khiến anh cũng như nhiều người trẻ khác không còn nhiều lựa chọn, ngoài việc bán hàng rong.
"Tôi từng rửa xe ô tô, làm giáo viên và nhiều công việc khác. Trước đại dịch, trong thời gian học đại học, tôi đã bắt đầu làm những công việc bán thời gian như thế này vào cuối tuần. Nhưng sau đại dịch, có lẽ họ không cần nhiều nhân công như vậy nữa", anh Parhati nói.
Nhiều người trẻ Trung Quốc mở các quầy bán hàng rong. Ảnh: Jackie Zhu.
Việc bán hàng rong từng đối mặt với nhiều hạn chế tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đang dần thay đổi trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch.
Để tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và ổn định thị trường việc làm, từ ngày 5/8, Thượng Hải sẽ thử nghiệm cho phép những người bán hàng rong "đã được cấp phép" mở cửa hàng ở những địa điểm chỉ định. Các thành phố khác, bao gồm Thâm Quyến, Truy Bác và Lan Châu cũng đã tuyên bố nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với những người bán hàng rong.
Ông Bruce Pang - Chuyên gia kinh tế trưởng, công ty Jones Lang Lasalle cho biết: "Áp lực trên thị trường việc làm đang rất lớn, không chỉ với sinh viên mới tốt nghiệp, mà còn cả những nhân viên có kinh nghiệm. Vì vậy, bán hàng rong không phải là một lựa chọn tệ đối với những người trẻ tuổi. Nó cũng phù hợp với họ ở một số khía cạnh như sự linh hoạt cả về địa điểm và lịch trình làm việc".
Các số liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 - 24 tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 20,8%. Do vậy, giới chức Trung Quốc kỳ vọng, các quầy hàng rong sẽ là một lời giải phù hợp trong ngắn hạn, cho bài toán việc làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!