Gần nửa tháng trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép các cá nhân được vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác. Một số khách hàng đã được giải ngân, tuy nhiên quy định này không tạo được một làn sóng chuyển nợ sang ngân hàng khác. Dù lãi suất cạnh tranh hơn khiến nhiều người đang có dư nợ hiện hữu quan tâm, nhưng chuyển khoản vay lại không dễ.
Gia đình anh Bùi Minh Cường (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vay ngân hàng để mua nhà. Tiền vay giải ngân theo tiến độ, với mức lãi suất của khoản vay gần nhất khoảng 13%/năm, dư nợ còn 1,3 tỷ. Hiện mỗi tháng gia đình anh đang phải trả lãi gần 18,5 triệu đồng.
Với mong muốn được giảm áp lực trả lãi, anh Cường đã tìm hiểu chính sách tại một loạt ngân hàng và câu trả lời là không dễ vay.
"Khi liên hệ một số ngân hàng, tôi thấy thủ tục vay rất thấy khó khăn, cần một tài sản khác ngoài tài sản mà tôi đang vay ra để bảo đảm khoản vay đó. Ngoài ra còn có một số quy định gây rào cản như có thể mua bảo hiểm khoản vay đó", anh Bùi Minh Cường, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Việc khách hàng có thể vay ngân hàng để trả nợ khoản vay trước đó sẽ góp phần làm tăng sức ép giảm lãi vay. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Theo quy định hiện nay, trường hợp khách hàng vay tại ngân hàng B để trả ngân hàng A, thế chấp bằng tài sản duy nhất. Trong ngày ngân hàng B giải ngân tiền, bắt buộc phải nhận về tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, có rất nhiều rủi ro có thể phát sinh như ngân hàng không A không kịp làm hồ sơ trong ngày, không kịp công chứng tài sản, không kịp xác nhận tình trạng ngăn chặn tài sản để nộp cho ngân hàng mới… Do đó, các ngân hàng có xu hướng lựa chọn phương hướng an toàn.
"Chúng tôi phải chuẩn chỉnh và sẵn sàng trên tinh thần là tích cực để đưa ra quy trình thuận lợi nhất cho khách hàng. Chắc chắn sẽ có những bước về thẩm định tài sản, xác minh lại khách hàng theo đúng quy định về tín dụng hiện nay", bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, ngân hàng Sacombank, cho biết.
Trên thực tế, một số khách hàng đã được ngân hàng giải ngân để trả nợ khoản vay cho ngân hàng khác, nhưng hầu hết đều phải đáp ứng tiêu chí có tài sản đảm bảo để thế chấp tại ngân hàng mới. Lãi suất cho vay thấp hơn ở mức 12 - 13%/năm với các khoản vay hiện hữu, nhưng cũng không phải quá thấp, ở mức 8 - 9%/năm. Tuy nhiên người vay phải cõng thêm chi phí phạt trả nợ trước hạn từ 2 - 3%/năm.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vướng mắc về tài sản đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước cần có thêm các quy định và hướng dẫn chi tiết để chuyển giao được trơn tru, nếu phải có tài sản đảm bảo khác, thì không khác gì khách hàng khởi tạo khoản vay mới.
"Những quy định của Ngân hàng Nhà nước phải thực sự rõ ràng, để khi khách hàng đã chấp thuận chuyển khoản nợ thì 2 ngân hàng phải hợp tác để chuyển khoản nợ, thời gian chuyển khoản nợ bao lâu thì phải có quy định cụ thể", ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Bên cạnh đó, một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh sẽ là giải pháp căn cơ cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Còn trước mắt, theo các chuyên gia, dù không tác động quá lớn, nhưng việc khách hàng có thể vay ngân hàng để trả nợ khoản vay trước đó sẽ góp phần làm tăng sức ép giảm lãi vay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!