Nhiều sản phẩm dệt may đã có tỷ lệ nguyên liệu tái chế lên đến 60%

Đ.H-Thứ năm, ngày 21/09/2023 14:44 GMT+7

VTV.vn - Theo VITAS, xu hướng xanh hóa và số hóa là đòi hỏi tất yếu với doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ 20-22/9, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Do đó, nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Nhiều sản phẩm dệt may đã có tỷ lệ nguyên liệu tái chế lên đến 60% - Ảnh 1.

Một gian hàng giới thiệu sản phẩm có nguyên liệu ''xanh'' tại triển lãm Texfuture.

"Sản phẩm tái chế đi từ ý thức tiết kiệm và tái chế của con người. Quần áo cũng là một trong xu hướng đó. Hiện nay, dệt may đã đưa ra nhiều sản phẩm tái chế mà hôm nay đưa đến triển lãm. Có những loại đã pha trộn nguyên liệu tái chế 30-40%, nhưng cũng có những loại sản phẩm tỷ lệ pha trộn nguyên liệu tái chế đã lên đến 50-60%", ông Giang cho biết.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 mặt hàng dệt may giảm 14,4%, chỉ đạt 22,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu sang thị trường chủ lực Hoa Kỳ chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỷ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỷ USD giảm 3%.

Để giải quyết những thách thức đặt ra cho ngành dệt may, đại diện VITAS nhấn mạnh đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành động thiết thực cho một tương lai "xanh" của các DN trong ngành dệt may. Trong tầm nhìn đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may.

Nhiều sản phẩm dệt may đã có tỷ lệ nguyên liệu tái chế lên đến 60% - Ảnh 2.

Tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong các sản phẩm dệt may, da dày Việt Nam đang được nâng lên để tăng sức cạnh tranh.

Với chủ đề "Cùng nhau tái chế - cùng nhau tuần hoàn", Texfuture Việt Nam 2023 tập trung vào việc khơi dậy và thu hút hệ sinh thái dệt may và da giày. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến giao thương B2B trực tiếp từ những doanh nghiệp dệt may, nhà máy sản xuất vải cho đến các nhà thiết kế, nhãn hàng và những người đam mê trong thời trang và chất liệu bền vững, quan tâm đến xu hướng tái chế và xanh hóa trong ngành. Sự kiện có sự góp mặt của 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1.000 nhà máy doanh nghiệp dệt may, hơn 1.000 thương hiệu thời trang Việt.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho hay tầm nhìn từ nay đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may, doanh nghiệp cần thích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may để tăng lợi thế cạnh tranh.

Trong bối cảnh 8 tháng liên tiếp lũy kế kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đều giảm từ 14,4% tới 37,6% so với cùng kỳ năm trước, vẫn có một số tín hiệu hồi phục và cơ hội phát triển cho hàng dệt may, như: xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8/2023 đạt 3,4 tỷ USD cao nhất trong 11 tháng gần đây, tăng 5,5%, và là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Đặc biệt, xuất sang thị trường chủ lực Hoa Kỳ đã có dấu hiệu hồi phục với kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 1,5 tỷ USD tăng 2,3% so với tháng trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước