Lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 0,5% một năm.
Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm còn 0,8% một năm, tương đương mức giảm 0,2 điểm phần trăm.
Động thái này ít nhiều ảnh hưởng tới lãi suất của các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay giảm từ 0,25% - 0,5%.
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: Người đưa tin)
7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,45% - thấp hơn nhiều so với mức 7,31% cùng kỳ. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất khi gửi tại Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các nhà băng cung tiền ra thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn của tín dụng không nằm ở giảm lãi suất, mà vì doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo hay kế hoạch kinh doanh khả thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Theo các chuyên gia, hỗ trợ thanh khoản tức thì giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ là giải pháp thiết thực nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hỗ trợ thanh khoản tức thì giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Phải thúc đẩy cho vay có một phần hỗ trợ lãi suất thông qua quỹ phát triển nhỏ và vừa, đồng thời khởi động lại quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động ở 28 địa phương nhưng không tốt trong thời gian vừa qua" - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay.
Ông Lực cũng đề xuất, thời hạn cuối để doanh nghiệp nộp đơn gia hạn nộp thuế theo nghị định 41 của Chính phủ vừa kết thúc, cần sớm có hướng dẫn gia hạn, đồng thời rà soát thêm một số lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!