Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành hiện tại, nâng thêm 1% và có hiệu lực từ 25/10. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ 2 của Ngân hàng Nhà nước trong vòng một tháng qua.
Việc điều chỉnh này nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt để ứng phó với tình trạng lạm phát và lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang có chiều hướng tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các mức lãi suất như sau: lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm lên 7,0%/năm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng lãi suất không kỳ hạn lên 1%/năm; lãi suất dưới 6 tháng là 6%.
Các động thái liên tiếp trong thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được cho là nhắm tới 2 mục tiêu: kiềm chế lạm phát và giảm áp lực đối với tỷ giá.
"Khi lãi suất tăng, đồng nghĩa giá đồng tiền tăng lên. Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa chúng ta tự phá giá đồng tiền của mình. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ giá hàng hóa nhập khẩu của chúng ta, làm lạm phát tăng lên", TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đánh giá.
"Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm 1% là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo một bộ đệm để tỷ giá vẫn được giữ vững trong một khuôn khổ nhất định", GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu quan điểm.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 1% các mức lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay của mình.
"Chúng tôi luôn luôn điều chỉnh lãi suất ở mức thấp hơn thị trường và cũng thấp hơn điều hành của Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản sẽ cũng không tăng hết mức 1% và làm sao đảm bảo phù hợp với thị trường, đảm bảo tình hình huy động vốn của ngân hàng", bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho biết.
Trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Biên độ tỷ giá VND/USD cũng đã được điều chỉnh từ +/- 3% lên mức +/- 5%.
"Tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố tạo ra đã có một dư địa rộng rãi hơn, để các chủ thể, trong đó các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư... có thể lựa chọn cách thức xác lập một tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường, đạt vùng tỷ giá tối ưu", ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận xét.
Các động thái liên tiếp trong thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt của mình nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thích ứng với tình hình lạm phát, lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!