Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm?

P.V-Thứ ba, ngày 18/06/2024 18:08 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội cũng như còn nhiều nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024.

Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã có đợt phục hồi kéo dài giúp VN-Index đã có lúc vượt hơn 1.300 điểm. Với nhiều tín hiệu tích cực như dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, chỉ số PMI tháng 5 phục hồi tốt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng cao… Theo dự báo, nền kinh tế Việt Nam quý II năm 2024 sẽ tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, dù thị trường chứng khoán đã phục hồi nhưng sự luân chuyển dòng tiền diễn ra nhanh chóng giữa các nhóm ngành, khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay và khó thu được lợi nhuận như kỳ vọng. Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về thị trường chứng khoán giai đoạn nửa cuối năm.

Như ông cũng đã thấy, đà tăng của thị trường chứng khoán đã kéo dài và phục hồi lại những mức cao mới, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng không phải ai cũng có lãi trong thời gian qua. Điều này rất khác với thời gian trước đây là khi thị trường tăng mạnh kéo dài thì ai mua cũng dễ dàng có thu được lợi nhuận, ông lý giải như thế nào về điều này?

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Đúng như vậy, trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, thị trường đã trải qua ba giai đoạn tăng điểm, sau đó điều chỉnh rồi tăng điểm trở lại. Giai đoạn đầu thường là các mã sẽ tăng giá rất là đồng pha với nhau, nhà đầu tư có thể không nhất thiết phải quá kén chọn các mã cổ phiếu vẫn có thể thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sau khoảng một năm rưỡi, khi thị trường đã ở trong xu hướng tăng điểm rồi và trải qua hai lần điều chỉnh cũng như tăng trở lại thì mức độ chọn lọc cổ phiếu sẽ phải khó hơn rất nhiều. Do vậy, những cổ phiếu nào mà có được sự hỗ trợ từ các thông tin cơ bản cộng với lại những câu chuyện về mặt tăng trưởng, chẳng hạn như chuyển sàn hay có sản phẩm mới hay xuất khẩu hoặc tham gia vào những lĩnh vực mới… những cổ phiếu đó thường sẽ thu hút được nguồn vốn tốt hơn.

Thực tế, trong lần tăng này, sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành hay nhóm cổ phiếu diễn ra khá nhanh và ngắn, khi nhóm cổ phiếu này mới tăng, nhà đầu tư mua vào thì nó lại giảm và chuyển sang nhóm khác thì cũng gặp tình trạng tương tự, ông thấy sao về điều này?

Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm? - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly của Talk show Phố Tài Chính và ông Trần Thăng Long tại trường quay.

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Tôi cũng quan sát, có vẻ như giai đoạn gần đây, dòng tiền luân chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành, tôi nghĩ có một phần đến từ việc là không chỉ là chứng khoán mà các kênh đầu tư khác cũng đã có những chuyển biến nhất định. Từ đầu năm đến nay, chứng khoán mặc dù tăng khá tốt, tăng khoảng 14% theo chỉ số VN-Index, nhưng nếu so sánh sẽ thấy các kênh khác cũng tăng khá tốt như USD, tăng cũng xấp xỉ 4,8 - 4,9%, hay giá vàng thế giới cũng tăng rất mạnh, từ đầu năm đến nay cũng tăng khoảng 24%.

Do vậy, kênh đầu tư chứng khoán cũng chịu sức cạnh tranh của nhiều kênh đầu tư khác nhau. Nhà đầu tư có khá nhiều lựa chọn, vì vậy họ sẽ không kiên nhẫn như giai đoạn trước đó, khi chỉ có ít kênh lựa chọn. Và trong bối cảnh đó, thông thường họ cũng sẽ nhanh di chuyển giữa các lựa chọn đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, tôi thấy rằng với nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia vào thị trường chứng khoán nên cân nhắc kỹ việc mà nhà đầu tư nhanh chóng trading lướt sóng sẽ gây ra rủi ro, mà thậm chí thua lỗ trong trong ngắn hạn.

Như vậy, có thể đánh giá được nhóm ngành nào đã thực sự dẫn dắt trong thời gian qua không, thưa ông?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích - Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Từ khi kết thúc quý I/2024 trở đi, thay vì nhóm ngân hàng hay nhóm các cổ phiếu lớn như trước dây thì các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hoặc midcap lại tăng trưởng tốt hơn và điển hình nhất VN-Index tăng được khoảng 14%, trong khi đó VN30 lại tăng chỉ khoảng 11%, cho thấy rằng nhóm cổ phiếu lớn đang chưa dẫn dắt được thị trường. Chính vì vậy, điểm số của VN-Index trong vòng khoảng một quý trở lại chỉ dao động trong vùng nhất định.

Thời điểm này cũng là thời điểm kết thúc quý II năm 2024, nếu nói về kinh tế vĩ mô, ông nhận định như thế nào về nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo ra sao cho 6 tháng còn lại?

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Chứng khoán thường sẽ có những chuyển biến trước kinh tế vĩ mô ít nhất từ một quý đến ba quý. Và chúng ta thấy rằng chứng khoán cũng tạo đáy từ năm cuối năm 2022 và sau đấy kinh tế vĩ mô cũng đã tạo đáy vào tầm giữa năm 2023 rồi và giai đoạn hiện tại là giai đoạn đang phục hồi của vĩ mô. Khi chúng ta nhìn vào các chỉ số chính, chúng tôi thấy rằng các chỉ số này đang có sự tiến triển. GDP bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại tương đối tốt, về khối xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 16%, vốn đầu tư FDI cũng tăng trưởng khoảng 7,8%, chỉ số bán lẻ cũng tăng trưởng trở lại - xấp xỉ 10%, tôi nghĩ rằng về mặt vĩ mô mà nói cũng đang phản ánh sự phục hồi của kinh tế của Việt Nam.

Với những phân tích vĩ mô như vậy thì thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm được dự báo như thế nào thưa ông?

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Tôi cũng nhất trí với anh Tuấn là thanh khoản của thị trường mặc dù không tăng mạnh nhưng nó cũng duy trì ở mức độ xấp xỉ 1 USD, là một mức khả quan hơn so với cả giai đoạn năm ngoái. Gần đây, khối ngoại cũng bán rất mạnh, chúng ta thấy từ đầu năm đến nay, mức độ bán ròng cũng xấp xỉ khoảng bốn mươi mấy nghìn tỷ đồng. Gần như ngày nào, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng một lượng khoảng 600 hay đến 1.000 tỷ đồng.

Thế nhưng dòng tiền trong nước không hề yếu thế và khá chủ động trong việc mua lại cổ phiếu, thị trường trong nước vẫn đang đi lên và VN-Index vẫn tăng đến 14%. Tôi nghĩ đấy cũng là một minh chứng cho thấy, dần dần nhà đầu tư trong nước họ đang tập trung hơn vào việc mà đánh giá lại những giá trị của thị trường chứng khoán trong nước và doanh nghiệp trong nước và tự tin hơn vào những sự phát triển hay là sự phục hồi của trong nước.

Và trong 6 tháng cuối năm này, theo ông, nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường?

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Bên cạnh những nhóm như ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng thì những nhóm ngành mà cũng đang có sự phục hồi thuận lợi từ thế giới như nhóm dầu khí hay nhóm hóa chất và một nhóm ngành mà tôi nghĩ là từ giờ đến cuối năm cũng sẽ có tín hiệu khả quan đó là những nhóm ngành liên quan đến xuất nhập khẩu, đến thời điểm hiện tại lại tăng trưởng rất nhanh trở lại và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chúng ta đã tăng 16%, đấy là một tín hiệu rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị xuất nhập khẩu, chẳng hạn như logistic, hay cảng biển, kho bãi, hàng không, hay nhóm ngành mà liên quan đến khu công nghiệp hay nhóm ngành trực tiếp xuất xuất khẩu như dệt may, da giày, hay thủy sản...

Ngoài ra, công nghệ cũng càng ngày càng phổ biến hơn và chúng ta thấy rằng không chỉ những doanh nghiệp công nghệ mà bây giờ tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm đến công nghệ chuyển đổi số, về Cloud, AI và tôi nghĩ rằng đây không phải là xu hướng của riêng Việt Nam, nó là xu hướng chung của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước