Giai đoạn 2018 - 2020 chứng kiến một đà tăng trưởng rất mạnh của bất động sản công nghiệp khi các nhà đầu tư liên tục tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sự di chuyển giữa các quốc gia bị hạn chế, các nhà đầu tư mới gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Do vậy, trong năm 2020, nhu cầu về bất động sản công nghiệp được duy trì chủ yếu bởi các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đã có sự hiện diện tại Việt Nam.
Trong hai năm 2019 và 2020, thị trường bất động sản tại một số khu vực trọng điểm đã chứng kiến sự tăng trưởng nóng.
Ví dụ tại Bắc Ninh, năm 2020, giá cho thuê bất động sản công nghiệp tăng từ 75 lên 100 USD/m2/chu kỳ thuê, tương đương khoảng 50 năm, tương ứng với mức tăng 25%. Nửa đầu năm nay, giá duy trì ở mức 110 - 115 USD, tức chỉ tăng khoảng 10%.
Còn với những địa phương khác, như Hải Phòng, từ năm 2020 đến năm nay, thị trường đang đi ngang, chưa chứng kiến sự tăng trưởng về giá.
Trong năm 2020, nhu cầu về bất động sản công nghiệp được duy trì chủ yếu bởi các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đã có sự hiện diện tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN)
"Hiện tốc độ mua đất của các đơn vị cũng bắt đầu giảm lại. Giá thuê xưởng, thuê kho cũng không thể tăng kịp theo đà tăng của giá đất nữa, vì các doanh nghiệp khai thác cũng gặp khó khăn vì thị trường khó khăn, họ cũng cần sự trợ giúp của các nhà cung cấp bất động sản, nên chúng tôi cũng không thể duy trì đà tăng về giá thuê xưởng và kho", Giám đốc KTG Industrial Đặng Trọng Đức cho biết.
Bên cạnh yếu tố dịch bệnh, sự thiếu hụt nguồn cung cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá bất động sản công nghiệp tăng cao. Điều đáng mừng, trong quý I/2021, hàng chục dự án công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng ngàn ha đất công nghiệp mới.
"Chúng ta nhìn thấy sự mở rộng của các địa phương với các thị trường tương đối mới như Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình. Điều này có thể khả thi là do chúng ta có hạ tầng kết nối tương đối tốt, nhất là ở khu vực miền Bắc", bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu, CBRE Hà Nội, nhận định.
Nguồn cung tăng được kỳ vọng sẽ giữ ổn định mặt bằng giá bất động sản công nghiệp sau chu kỳ tăng nóng.
"Khả năng tăng giá phụ thuộc rất nhiều vào cán cân cung cầu. Khi chúng ta nhìn thấy nguồn cung rất lớn trong thời gian tới, tuy nhiên cũng vẫn còn phụ thuộc vào tiến độ triển khai, vì các dự án lớn thường mất thời gian dài để hoàn thiện các thủ tục. Tuy nhiên, sự tăng giá trong nửa đầu năm 2021, chúng ta cũng nhìn thấy sự điều chỉnh nhất định của thị trường, sau khoảng thời gian năm 2019, 2020 giá tăng mạnh", bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu, CBRE Hà Nội, cho hay.
Báo cáo của Savills Việt Nam từ 54 thị trường tại 21 quốc gia cho thấy, Việt Nam đang có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông, bởi chất lượng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả phân khúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!