Khi thị trường tăng điểm, nhà đầu tư thường bỏ qua các yếu tố vĩ mô, chỉ cần nhìn danh mục xanh, cổ phiếu lãi thì cho rằng đây là kết quả của việc chọn được cổ phiếu đúng, sẽ tăng giá trong tương lai, hơn là nhờ yếu tố vĩ mô.
Thực ra, kết quả trên giống như hình ảnh con thuyền của bạn đi xuôi gió nhưng bạn lại nghĩ việc đi nhanh là do mình chèo giỏi.
Định kiến sai lầm về các yếu tố vĩ mô
Tại chương trình livestream tư vấn đầu tư chứng khoán trên fanpage VTV24 Money và Fanpage SSI về chủ đề "Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán", chuyên gia của SSI cho rằng, định kiến hay gặp nhất ở các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài là số liệu vĩ mô của Việt Nam sai, không có giá trị sử dụng, không đáng tin cậy.
Một trong các lý do họ đưa ra, Việt Nam là quốc gia duy nhất công bố số liệu vĩ mô ngay thời điểm cuối tháng, khi mà thời gian thống kê chưa kết thúc, hay GDP cuối quý có rồi, các quốc gia tháng tiếp mới có.
Ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI cho biết, số liệu vĩ mô các quốc gia đều có số ước tính, số cập nhật và số cuối cùng – được công bố sau 1 tháng. Nhà đầu tư cần theo dõi cả 3 con số này và các số liệu đều hữu ích, giúp nhà đầu tư dự báo tốt khi đầu tư chứng khoán.
Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ trong chương trình livestream
Chẳng hạn, với con số dự báo về vĩ mô cuối quý, nhà đầu tư có thể nắm bắt ngành tăng trưởng trong quý là ngành nào, làm cơ sở dự báo cho triển vọng ngành, triển vọng doanh nghiệp. Đến khi có số chính thức thì mình xác thực lại.
Định kiến thứ 2 là luôn cho rằng các dự báo, báo cáo của các tổ chức nước ngoài luôn đúng. Hay dễ thấy hơn là hay bị chi phối tâm lý khi thấy động thái bán ròng của nước ngoài, không ít nhà đầu tư sợ hãi và bán theo. Nhưng thực tế không hẳn đúng 100%, dễ thấy là nhiều tổ chức nước ngoài dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7-8% năm 2021 cũng đã phải hạ dự báo.
Quan điểm của ông Hưng, để hiểu các vấn đề liên quan đến kinh tế Việt Nam, thì quan trọng không phải kiến thức, mà là hiểu biết tiếng Việt mới có thể hiểu các quy định, chính sách…qua đó mới có thể cập nhật nhanh và chuẩn xác diễn biến tại Việt Nam. Các báo cáo là để tham khảo, và thậm chí nhiều báo cáo còn không phù hợp với Việt Nam.
Nhà đầu tư lướt sóng T+3 có cần phải nắm bắt thông tin vĩ mô?
Với nhà đầu tư cá nhân thì có điểm khác là vĩ mô được hiểu rộng hơn là bất cứ cái gì không phải các yếu tố liên quan tới bản thân doanh nghiệp, từ kinh tế, chính trị trong nước và thế giới, các yếu tố liên quan đến ngành…
Ông Hưng trả lời ngắn gọn thì đó là cần, đối với một nhà đầu tư, nắm bắt diễn biến kinh tế vĩ mô luôn là cần thiết, kể cả là nhà đầu tư ngắn hạn, T3, mua bán phái sinh thôi, nếu mình biết đang ở trong chu kỳ kinh tế nào, tăng hay giảm, triển vọng kinh tế sắp tới yếu hay mạnh thì xây được vị thế trong kế hoạch đầu tư phù hợp hơn.
Nói 1 cách chính xác là để biết được mình đang đầu tư trong giai đoạn nào của một chu kỳ kinh tế để có ứng xử phù hợp. Ngay cả đối với việc giao dịch trên thị trường phái sinh hàng ngày, tưởng như chỉ cần ngồi nhìn nến 5 phút, nhưng trên thực tế nếu bạn hiểu rõ rằng nền kinh tế đang hồi phục thì việc đang kiếm tiền được từ short phái sinh sẽ không thể kéo dài.
Ông Lê Quý Hải - Phó Giám đốc đầu tư, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết gặp khá nhiều các sai lầm của nhà đầu tư liên quan đến các yếu tố vĩ mô.
Ví dụ khi thị trường tăng điểm, nhà đầu tư thường bỏ qua các yếu tố vĩ mô, chỉ cần nhìn danh mục xanh, cổ phiếu lãi thì cho rằng đây là kết quả của việc chọn được cổ phiếu đúng, sẽ tăng giá trong tương lai, hơn là nhờ yếu tố vĩ mô.
Thực ra, kết quả trên giống như hình ảnh con thuyền của bạn đi xuôi gió nhưng bạn lại nghĩ việc đi nhanh là do mình chèo giỏi. Đến khi thị trường giảm điểm, tự nhiên mối quan tâm lại đổ dồn đến các yếu tố vĩ mô, và những người như ông Hải lúc này sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi, xem có gì xấu không, sao giảm điểm thế. Đến đoạn này thì các yếu tố vĩ mô bỗng trở nên "thần thánh", ai cũng quan tâm và nói nhiều tới các vấn đề như giá dầu, lạm phát, siêu chu kỳ… và cho rằng đây là các yếu tố quyết định cho xu hướng thị trường.
Ông Hải cho rằng nên có thói quen đầu tư là tiếp cận thông tin có hệ thống, bài bản, quan tâm tới các vấn đề có cái nhìn cân bằng hơn, giữa các yếu tố cơ bản về kinh tế, thị trường và nội tại doanh nghiệp, không nên chạy từ thái cực này tới thái cực khác, làm giảm hiệu quả của hoạt động đầu tư.
"Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán" là số thứ 2 trong chuỗi chương trình tư vấn đầu tư do CTCP Chứng khoán SSI – công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam hiện nay - tổ chức. Chương trình gồm 5 số, phát sóng vào thứ 4 hàng tuần trên Fanpage VTV24 Money và Fanpage SSI, phát lại trên kênh Youtube chính thức của SSI. Số thứ 3 với chủ đề "Ngành ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn" sẽ là chủ đề tiếp theo lên sóng vào 11h20 thứ 4 ngày 28/7/2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!