Những kịch bản nào đang chờ đợi thị trường dầu?

PV thường trú Đài THVN tại Trung Đông-Thứ ba, ngày 10/03/2020 08:50 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu thế giới đã trải qua ngày giảm mạnh nhất kể từ sau Cuộc chiến vùng Vịnh 1991 tới nay. Cuộc chiến giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu?

CNBC đã ví von cuộc chiến giá dầu giống như trò chơi thi gan giữa Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC xem ai sẽ là người "nháy mắt trước" và thua cuộc. Cuộc thi gan này đã khiến giá dầu thế giới có thời điểm mất hơn 25% giá trị trong phiên đầu tuần và trải qua ngày giảm mạnh nhất kể từ sau Cuộc chiến vùng Vịnh 1991 tới nay. 

Hiện giá dầu thô Brent vẫn giảm hơn 17%, giao dịch ở mức thấp 37,24 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ đứng ở mức 34,55 USD/thùng. Cuộc chiến giá dầu khơi mào bởi OPEC dẫn đầu là Arab Saudi đối đầu trực tiếp với Nga nhưng Mỹ cũng bị "réo tên". Các chuyên gia cho rằng Arab Saudi chỉ là đi trước Nga một bước để tuyên chiến với cả những công ty dầu đá phiến của Mỹ.

Đây là cuộc chiến giá dầu thứ hai được OPEC phát động sau 6 năm cuộc chiến lần thứ nhất, nhằm vào các công ty dầu khí đá phiến. Giá dầu khi đó đã bị đẩy xuống dao động quanh ngưỡng 30 USD/thùng, cho tới khi OPEC+, cơ chế hợp tác giữa OPEC với Nga và một số đối tác xuất khẩu dầu lớn không thuộc OPEC được thiết lập cuối năm 2016. 

Cuộc chiến giá dầu lần thứ hai này được dự báo còn mang đến những kịch bản còn tồi tệ hơn đối với giá dầu. Báo Khaleej Times (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) trích dẫn đánh giá của Goldman Sachs cho rằng, cuộc chiến giá dầu lần này được phát động trong một thời điểm thị trường vốn dĩ đã rất ảm đạm bởi các tác động của dịch COVID-19. Giá dầu vì thế sẽ có thể bị đẩy xuống ngưỡng 20 USD/thùng. Các tính toán cho thấy, giá dầu chỉ như phiên giao dịch vừa qua dao động quanh ngưỡng 45 USD/thùng, các quốc gia OPEC đã mất tới nửa tỷ USD mỗi ngày.

Arab Saudi là quốc gia đi đầu trong việc phát động cuộc chiến giá dầu lần này. Theo các ước tính, giá dầu phải ở ngưỡng 84 USD/thùng thì nước này mới có khả năng cần bằng ngân sách. Còn nếu giá dầu ở ngưỡng khoảng 35 USD/thùng, Riyadh sẽ có thể cạn kiệt ngân khố trong vòng 5 năm tới. Bước đi phát động một cuộc chiến giá dầu lúc này của Arab Saudi, vì thế, chẳng khác gì là một cuộc chơi được ăn cả ngã về không. Nhưng liệu họ có đủ lực trong một cuộc chiến giá dầu với Nga? Đây là câu hỏi được báo Arabian Business đặt ra. 

Theo trang báo, khi phát động cuộc chiến, chắc chắn Arab Saudi đã phải tích trữ cho mình một nguồn lực nhất định trong ngân khố, nhằm cầm cự trong thời điểm giá dầu bị dìm xuống đáy. Nhưng chắc chắn, nguồn lực mà Arab Saudi để dành được thời điểm hiện nay yếu hơn nhiều so với nguồn lực mà họ có trong cuộc chiến giá dầu lần đầu tiên.

Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, các dấu hiệu cho thấy cánh cửa vẫn để mở cho những sự hợp tác giữa OPEC với Nga. Nhiều khả năng những cuộc đối thoại không chính thức vẫn đang được tiếp diễn. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, dù cuộc chiến này kéo dài lâu hay chóng cũng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, đã qua rồi giai đoạn các nước hợp tác với nhau, ưu tiên thắt chặt sản lượng để kìm giữ giá dầu.

Báo Gulf Business cho rằng, về cơ bản cơ chế hợp tác của OPEC+ đã kết thúc. Giờ là giai đoạn các quốc gia sẽ đặt ưu tiên cho cuộc chiến dành thị phần, chứ không tập trung phải giữ giá dầu.

Giá dầu thiệt hại 25#phantram sau quyết định của Saudi Arabia Giá dầu thiệt hại 25#phantram sau quyết định của Saudi Arabia

VTV.vn - Giá dầu thế giới trong phiên đầu tuần mất hơn 25% giá trị - ngày giảm mạnh nhất kể từ sau Cuộc chiến Vùng Vịnh 1991 tới nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước