Các đơn vị kí kết thoả thuận hợp tác tại hội xúc tiến.
Hội nghị với nội dung kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào tỉnh Ninh Thuận với sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, dịch vụ, giao thông...
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ tại hội nghị về những cam kết cùng đồng hành với doanh nghiệp để đầu tư vào địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Các dự án được thu hút đầu tư gồm: Bổ sung sân bay Thành Sơn với công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian từ Ninh Thuận đi TP Hồ Chí Minh từ 6 - 7 giờ xuống còn 3 - 4 giờ... Đây là những điều kiện quan trọng và góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Những cánh đồng điện gió đang được quan tâm phát triển tại tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài ra, theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định chọn 5 cụm ngành đột phá gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản. Hai động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Khu Cảng biển tổng hợp Cà Ná, là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực và được quy hoạch để tiếp nhận tàu tải trọng đến 100.000 DWT và lớn hơn...
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Để thu hút nhiều nhà đầu tư, hiện nay, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng đã và đang áp dụng chính sách đầu tư vào tỉnh theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu".
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ Ninh Thuận phát triển các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi siêu thị lớn của TP Hồ Chí Minh; tiếp tục hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch cho Ninh Thuận trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến ký kết và trao 13 Bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị và doanh nghiệp./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!