Những nỗ lực tháo gỡ này được chỉ đạo, cam kết tại buổi gặp mặt doanh nghiệp quý II, năm 2024 của tỉnh Ninh Thuận với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xác định là một trong những khâu đột phát cho phát triển năm 2024. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp hàng tháng, quý và theo chuyên đề, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở ngành, địa phương, cán bộ, công chức. Theo đó, đã tổ chức 06 Hội nghị và cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất, giá đất, thủ tục đầu tư, khoáng sản, môi trường, lao động,…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban ngành cùng chung tay giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, tận dụng được các cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm theo các Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các chính sách hỗ trợ DNNVV, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bản tỉnh giai đoạn 2024 – 2028 theo Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh.
Hai là: Tập trung thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh uỷ: (1) Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư; (2) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; (3) Tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực và phát triển 06 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng: (1) thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; (2) năng lượng; (3) du lịch; (4) công nghiệp chế biến, chế tạo; (5) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (6) kinh tế đô thị.
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, nhất là liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trọng tâm là những chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường và các điểm nghẽn về năng lượng, khoáng sản; tiếp cận vốn tín dụng, đất đai; sự chồng lấn, bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành...); thủ tục hành chính; giải phóng mặt bằng;...
Ba là: Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; chủ động tiếp cận trực tiếp nhà đầu tư để kêu gọi, hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư từ bước nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục cho đến khi triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, phải luôn quan tâm công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư có dự án đang triển khai tại tỉnh; nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kịp thời phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ tháo gỡ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn một số dự án trong Khu, Cụm Công nghiệp; và một số sản phẩm công nghiệp quy mô lớn đang khó khăn. Đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch, nông nghiệp, cảng biển, năng lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kéo dài.
Bốn là: Thực hiện tốt phương châm "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ, xử lý có hiệu quả, nhanh nhất, có kết quả cụ thể. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế, xây dựng, quy hoạch, lao động, tiếp cận tín dụng...
Năm là: Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Sáu là: Các hiệp hội cần tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển; phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc vận động chính sách, bảo vệ quyền lợi hội viên...
Cũng tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ghi nhận và hứa sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn để giúp cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển ổn định trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!