Gói kích thích này nhằm giúp giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế. Gói kích thích này có tổng trị giá lên tới 78.900 tỷ Yen nếu tính cả nguồn vốn từ khu vực tư nhân, gồm một số chính sách mang dấu ấn của Thủ tướng Fumio Kishida như thu hẹp khoảng cách thu nhập thông qua việc tăng lương và đảm bảo an ninh kinh tế.
Thông qua các biện pháp kích thích kinh tế, Thủ tướng Kishida đặt mục tiêu vực dậy nền kinh tế, đồng thời nỗ lực thực hiện mục tiêu tái phân phối của cải trong xã hội thông qua việc tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Người dân đi bộ dọc khu mua sắm Nakamise ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Chính sách Kinh tế và Tài chính của Chính phủ trước khi nội các thông qua gói kích thích kinh tế trên, Thủ tướng Kishida khẳng định: "Với việc nhanh chóng thực hiện gói kích thích kinh tế này, chúng ta sẽ tái thiết nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng càng sớm, càng tốt".
Theo Thủ tướng Kishida, các biện pháp kích thích ước tính sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng thêm 5,6%.
Như vậy, gói kích thích kinh tế có giá trị lớn hơn nhiều so với con số khoảng 30.000 tỷ Yen trong kế hoạch ban đầu do bổ sung thêm các khoản chi cho quốc phòng và hỗ trợ lãi suất cho các chương trình tín dụng đầu tư của Chính phủ cùng với các khoản chi tiêu của chính quyền địa phương.
Để tài trợ cho gói kích thích mới này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ trình Quốc hội thông qua dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 có tổng trị giá 31.900 tỷ yen trong kỳ họp bất thường dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, một số biện pháp trong gói kích thích này sẽ được tài trợ bởi ngân sách của tài khóa 2022.
Trong số các biện pháp nằm trong gói kích thích kinh tế mới nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, đáng chú ý có chương trình trợ cấp 100.000 Yen/trẻ cho các hộ gia đình có con từ 18 tuổi trở xuống và có mức thu nhập dưới 9,6 triệu Yen/năm. Tổng chi cho chương trình này là khoảng 2.000 tỷ Yen.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi khoảng 2.000 tỷ Yen nữa cho các gia đình và sinh viên gặp khó khăn, trong khi các công ty nhỏ bị tác động bởi dịch bệnh cũng sẽ được nhận khoản hỗ trợ lên tới 2,5 triệu Yen/công ty.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ nối lại chương trình kích cầu du lịch "Go To Travel" để vực dậy ngành du lịch và dịch vụ trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm mạnh trong thời gian qua. Chương trình này đã bị đình chỉ từ cuối tháng 12/2020 do sự bùng phát của dịch bệnh.
Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện chương trình thưởng điểm lên tới 20.000 Yen/người cho các cá nhân đã hoặc làm thẻ căn cước "My Number" nhằm thúc đẩy quá trình số hóa ở nước này, trong khi vẫn kích thích tiêu dùng, đồng thời tăng từ 1 đến 3% lương tháng cho các nhân viên y tế, trường mẫu giáo và điều dưỡng viên.
Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình do giá nhiên liệu tăng, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện chương trình trợ giá cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu.
Nhật Bản cũng sẽ chi khoảng 500 tỷ Yen để tạo điều kiện cho sự phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn tiên tiến nhằm đảm bảo đủ nguồn cung chip máy tính.
Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành ra khoảng 770 tỷ Yen để nâng cấp trang thiết bị quốc phòng và mua tên lửa và máy bay tuần tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!