Nếu bạn là 1 người am hiểu về internet, hay là 1 phụ huynh của 1 thiếu niên đam mê công nghệ, thì nhiều khả năng bạn đã nghe tới TikTok, nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội hiện đang làm khuynh đảo thế giới mạng.
Mỗi video trên nền tảng này chỉ dài 15 giây, nhưng chúng lại có sức ảnh hưởng lớn: Tiktok hiện có hơn 500 triệu người dùng trên thế giới, và luôn nằm trong top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới kể từ khi ByteDance ra mắt vào năm 2016. Mới đây, Tiktok đã giúp ByteDance, công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc đánh bại những tên tuổi lớn như Youtube, và cả hệ sinh thái của Facebook, trở thành ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới.
TikTok vượt mặt Youtube, trở thành ứng dụng phi trò chơi (không phải game) có doanh thu cao nhất thế giới.
TikTok được xem là ứng dụng phi trò chơi thành công nhất từ Trung Quốc được phát hành ở thị trường nước ngoài.
Tính đến tháng 4/2020, Tiktok thu về khoản doanh thu 78 triệu USD, theo thống kê từ Sensor Tower, công ty phân tích ứng dụng di động. Trong đó, 86,6% doanh thu của Tiktok và Douyin (phiên bản cho thị trường Trung Quốc) đến từ người dùng Trung Quốc. Tiếp đến là thị trường Mỹ đứng thứ 2 với 8,2% doanh thu.
Trong khi đó, YouTube, nền tảng chia sẻ video của Google phải đứng thứ 2, với doanh thu gần 76 triệu USD. Phần lớn đến từ thị trường Mỹ với 56,4%, tiếp theo là thị trường Nhật Bản với 11% doanh thu, theo số liệu của Sensor Tower.
Ngoài ra, các ứng dụng có doanh thu hàng đầu khác lần lượt là Tinder, Disney+, và Tencent Video.
Nếu như không vướng phải những cấm vận từ chính phủ Mỹ thì Tiktok nhiều khả năng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Doanh thu của Tiktok trong tháng 4 cũng giúp công ty mẹ là ByteDance được định giá lên 100 tỷ USD. Đây là một trong những starup giá trị nhất thế giới.
Điều gì khiến TikTok tăng trưởng vượt bậc?
Lý do không gì khác, ngoài dịch COVID-19. Trong khi nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh, thì COVID-19 lại như 1 đòn bẩy giúp cho tên tuổi của ứng dụng này vươn xa. Cách ly tại nhà, nhiều người đã tải ứng dụng TikTok về để "giết thời gian". Chỉ trong quý 1/2020, TikTok và Douyin được tải về tổng cộng 315 triệu lượt trên toàn cầu, tăng 187 triệu so với năm trước.
TikTok bùng nổ trong thời gian cách ly xã hội do COVID-19
TikTok kiếm tiền như thế nào?
Câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này là TikTok làm thế nào để kiếm hàng tỷ đô la Mỹ? Hãy cùng thảo luận về mô hình kinh doanh của TikTok
In-Apps Purchases (Mua hàng trong ứng dụng)
In-Apps Purchases là hình thức kiếm tiền rất được nhà phát triển ứng dụng TikTok ưa chuộng, cho phép người dùng có thể mua những tính năng hoặc vật phẩm bổ sung trong ứng dụng. Người dùng có thể đổi tiền thật thành những đồng tiền ảo, hay những món quà ảo, để tặng bạn bè, hay những nhà sáng tạo nội dung họ yêu thích.
Theo bảng thống kê của trang theo dõi dữ liệu ứng dụng Apptopia, chỉ trong quý 4/2019 người dùng TikTok đã chi hơn 50 triệu USD cho việc mua các tính năng, vật phẩm trong ứng dụng (In-Apps Purchases), tăng 310% so với năm trước đó.
Quý 4/2019, người dùng TikTok chi hơn 50 triệu USD cho In-Apps Purchases
Quảng cáo trên TikTok
Bạn đã bao giờ nghe nói về Quảng cáo TikTok chưa? Tất nhiên là nhiều lần!!!
Tương tự như YouTube, TikTok cung cấp dịch vụ quảng cáo để quảng bá thương hiệu. Các thương hiệu nhỏ và lớn đang sử dụng TikTok để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ thông qua quảng cáo in-feed video (quảng cáo sẽ hiển thị toàn màn hình, và cho phép người dùng bỏ qua). Dịch vụ quảng cáo này hỗ trợ nút dẫn về trang chủ của thương hiệu, hoặc trang tải ứng dụng. Chi phí quảng cáo cho mỗi lần nhấp chuột là 4 USD.
Ngoài ra, TikTok cung cấp dịch vụ quảng cáo Brand takeover, dạng quảng cáo được hiển thị ngay khi người dùng khởi động ứng dụng, kéo dài tối đa 5 giây. Brand takeover thường được sử dụng nhằm quảng bá hashtag challenge do nhãn hàng tổ chức nhằm gia tăng lượt xem các video thuộc hashtag challenge cũng như tạo ra các video tương tự. Công ty cổ phần giải pháp Thanh toán số - Digipay cho biết hình thức quảng cáo này trên Douyin có giá khoảng 150.000 USD/ngày.
Thương mại điện tử
Giống như nhiều nền tảng truyền thông xã hội, ByteDance đang thử nghiệm các lĩnh vực thương mại trực tuyến (e-commerce), ngay cả khi nó tiếp tục dựa vào quảng cáo như nguồn thu nhập chính. Hãng nghiên cứu Emarketer kỳ vọng rằng hơn 75 triệu người dùng mạng xã hội Mỹ, trong độ tuổi từ 14 trở lên, sẽ thực hiện ít nhất một giao dịch mua sắm từ một kênh mạng xã hội này trong năm 2020, tăng 17,3% so với năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!