Một cánh đồng nứt nẻ ở Nakhon Ratchasima. (Ảnh: AP)
Tại Thái Lan, thông thường, thời gian này đã là vụ lúa mới nhưng do hạn hán kéo dài nên ông Chamrus Komol phải trồng đậu để tiết kiệm nước. Tuy nhiên, đậu cũng chưa chắc sống được với khí hậu khô hạn này. Ông Chamrus Komol nói: “Tôi chưa bao giờ thấy đợt hạn hán nào dài như vậy. Nhà tôi vẫn ổn vì có giếng, nhiều người khác thì không còn nước để dùng”.
Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại miền Bắc Thái Lan. Mặc dù bão Vamco càn quét gây mưa lụt tại các tỉnh phía Nam nhưng những cánh đồng lúa phía Bắc vẫn khô cong không một giọt nước.
Thêm vào đó, hệ thống thủy lợi và dự trữ nước không được quản lý hiệu quả. Nguồn nước dự trữ chủ yếu được đưa về các thành phố lớn như Bangkok, trong khi các cánh đồng cần nước nhất vẫn khô cằn. Chưa kể, chúng đã bị hao phí cho các vụ mùa trước.
Ông Nipon Poapongsakorn - một chuyên gia kinh tế - cho biết: “Vụ trước, lúa gạo bị sản xuất quá nhiều cho chương trình tạm trữ của chính phủ. Kết quả là quá nhiều nước dự trữ bị lãng phí”.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là sẽ đến mùa khô ở Thái Lan. Nếu vẫn không có mưa thì sẽ không còn nước để dự trữ.
Ông Chamrus Komol cho biết thêm: “Không có nước, nông dân chúng tôi sẽ chẳng làm được gì. Chúng tôi phải đi vay mượn khắp nơi, nhiều người giờ nợ nần chồng chất”.
Theo các ước tính, thiệt hại vì hạn hán có thể chiếm 1/5 sản lượng lúa gạo trong năm nay. Người nông dân chỉ còn biết cầu trời rằng mưa sẽ đến vào vụ mùa năm sau.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.