Sáng nay (5/8), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc với ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam. Nội dung buổi gặp xoay quanh tháo gỡ khó khăn của một số những vấn đề mới nảy sinh trong hợp tác thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc nửa đầu năm 2020.
Nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mới
Qua nắm bắt thông tin và theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, hiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang gặp một số khó khăn khi tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tạm dừng thông quan tại cặp chợ Lũng Vài (Trung Quốc) - Cốc Nam (Lạng Sơn, Việt Nam) từ ngày 1/7 với lý do tiềm ẩn rủi ro như lây lan dịch bệnh, buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc với ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường, nghiêm cấm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới các loại nông sản chưa được mở cửa thị trường. Hiện nay, 9 mặt hàng rau quả của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Cần linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản giữa hai nước
Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tác động đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc thúc đẩy trao đổi trực tuyến với Cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ngoài ra, thống nhất các nội dung kỹ thuật, chuẩn bị các nội dung để sớm mời và tiếp Đoàn công tác của Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra thực địa đối với sầu riêng, khoai lang, giúp đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam.
Cần linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản giữa hai nước Việt - Trung.
Trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với 8 loại hoa quả (Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít), tạo thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Sau đó, tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên như bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.
Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 128 sản phẩm, 48 loại thủy sản và 750 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam. Phía Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam tiếp tục kiến nghị Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng có tiềm năng lớn như tôm sú/thẻ ướp đá, sứa ướp muối, hải sâm khô, cá bống bớp.
Với bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đề xuất tăng cường trao đổi trực tuyến để bổ sung hồ sơ đối với các sản phẩm nêu trên. Bên cạnh đó, phối hợp sử dụng chứng thư điện tử cho các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc; đồng thời miễn, giảm kiểm tra lại tại biên giới đối với các lô hàng đã có chứng thư điện tử.
Về thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, tháo gỡ khó khăn trong thương mại nông lâm thủy sản, thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy thiết lập cơ chế họp thường niên cấp Bộ trưởng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cần linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản giữa hai nước.
Đặc biệt, phía Bộ Nông nghiệp mong muốn thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan đầu mối kỹ thuật hai nước để thường xuyên trao đổi, tìm các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong thương mại biên giới, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 4,8 tỷ USD giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD giảm 9% so với cùng kỳ 2019 (chiếm thị phần 20,5% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam), nhập khẩu đạt 1,19 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch 7/12 nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng bao gồm rau quả đạt 1,04 tỷ USD giảm 29,3%, hạt điều đạt 157,6 triệu USD giảm 28,6%, cà phê đạt 40,6 triệu USD giảm 13,7%, cao su đạt 435 triệu USD giảm 16,7%. Có 5 mặt hàng có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2019
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!