Nửa đầu năm: Sản xuất phục hồi nhanh đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 29/06/2024 17:02 GMT+7

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước

VTV.vn - Sản xuất phục hồi mạnh, chỉ số tiêu thụ hàng hóa tăng cao, nhất là ở một số ngành công nghiệp mũi nhọn là tín hiệu tốt báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp tăng 8,55%

Nửa đầu năm: Sản xuất phục hồi nhanh đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái - Ảnh 1.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước

Tống cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý I/2024, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 8,55% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6.47%; quý II tăng 8.55%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất sáu tháng đầu năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 17,4%; khai thác quặng kim loại tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,5%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,7%.

Sản xuất tăng ở 56 địa phương

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và không đổi so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 4,8%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,2% và tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,2% và tăng 1,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,9%.

Cũng theo số lượng của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. 

Trong đó, đặc biệt có một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. 

Điển hình, theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Riêng trong tháng 6/2024, ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ.

"Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý I/2024 đã có tín hiệu khởi sắc", Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh thông tin thêm. Được biết, với vai trò là "đầu tàu" kinh tế của khu vực phía Nam, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Thành phố đã tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Thành phố chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

Nửa đầu năm: Sản xuất phục hồi nhanh đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái - Ảnh 3.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm của TPHCM tăng cao nhất trong 3 năm gần đây

Còn tại Hà Nội, Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP ước tăng 5%, cùng kỳ tăng 3,7%. Thời gian tới, Hà Nội tích cực tổ chức tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi  như giảm, giãn thuế, phí, lãi suất cho doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới (kinh tế đêm), kinh tế tuần hoàn và các ngành lĩnh vực mới nổi. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...

Đáng chú ý, theo thống kê, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc tăng 34,5%;  vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,4%; thép cán tăng 17,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; điện sản xuất tăng 12,2%. 

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như khí hóa lỏng LPG giảm 18,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16.0%; tivi giảm 9,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,6%; bia hơi, sắt thép thô và điện thoại thông minh cùng giảm 4,1%; alumin giảm 3,9%; ô tô giảm 3,2%.

Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2024 giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%).

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9% (bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%)./.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước