Mới đây nhất, Bắc Giang là địa phương đã ghi tên mình vào danh sách địa phương muốn sở hữu cảng hàng không. Cụ thể, Sở Giao thông và Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và cho phép chuyển sân bay Kép từ sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, báo Đầu tư phản ánh.
Lý giải nguyên nhân đề xuất này, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, cho rằng mật độ sân bay tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi, còn khá thưa, thêm vào đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Bắc Giang đến cửa khẩu Lạng Sơn là khá lớn và đều đặn.
Không chỉ Bắc Giang, theo thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), một số địa phương đã xin bổ sung vào quy hoạch các sân bay trên địa bàn, như Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận. Tuy nhiên đáng lưu ý, các đề xuất này đều nằm ngoài danh sách các cảng hàng không được đưa vào Dự thảo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Báo Đầu tư cũng dẫn lời ông Nguyễn Bách Tùng, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng hàng không: "Việc có đưa vào quy hoạch hay không, hoặc đưa vào quy hoạch thì bao giờ triển khai cần tính toán rất kỹ vì không chỉ cần một lượng kinh phí rất lớn, lên tới hàng trăm triệu USD, mà còn cần diện tích đất chiếm dụng 200 - 500 ha để xây 1 sân bay có quy mô 2 - 3 triệu lượt hành khách/năm. Vì vậy, cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân vùng dự án sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc việc xây dựng các công trình kiên cố sẽ bị đóng băng".
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào bất động sản
Sẽ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững, đó là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước mới đây.
Theo số liệu trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần lên trong từng quý trong năm 2020. Cụ thể, quý I/2020, dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chỉ đạt 526,396 tỷ đồng, đến quý IV là 633,470 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần lên trong từng quý trong năm 2020. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Lãi suất cho vay thấp, cơ hội mua nhà để đầu tư, hoặc để ở ở người dân tăng lên. Thay vì phải trả lãi suất trên dưới 10%/ năm, thì nay mức lãi suất chỉ dao động trong khoảng 5 - 6%. Tờ Thời báo kinh doanh dẫn ý kiến của chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay mua nhà, nên nguồn tiền sẽ đổ vào bất động sản, vì vậy việc xảy ra bong bóng bất động sản rất dễ xảy ra.
CPI tháng 2/2021 tăng 1,52%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020, theo trang Vneconomy.
Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2chỉ tăng 0,70% - thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Trong mức tăng này so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng giữ ổn định giá. Dẫn đầu mức tăng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với 4%, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, và nhóm giao thông tăng 1,55%.
Nguyên nhân khiến CPI tháng 2 năm nay tăng khá so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!