Tiêu chết hàng loạt, tiêu rớt giá được cho là kết cục khó tránh khỏi từ phát triển nóng tại các vùng trồng tiêu. Có thời điểm, giá hồ tiêu đạt mức 200.000 đồng/kg, khiến nhiều người dân Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ồ ạt trồng.
Tiêu được trồng ngay cả ở những nơi không phù hợp. Thậm chí, dù biết cây tiêu không chịu úng, nhiều người vẫn trồng trên đất trũng, thường xuyên ngập vào mùa mưa. Tiền đầu tư cho cây tiêu là tiền vay ngân hàng, lợi đâu chưa thấy, nhiều nhà lâm vào cảnh lao đao.
Cung vượt cầu đã dẫn đến giá tiêu rớt thảm hại. Trong khi đó, cây tiêu vốn không dễ chăm sóc, gặp người trồng thiếu kỹ thuật và kiến thức nhưng lại thừa vội vã, dẫn đến vườn tiêu bị bệnh hàng loạt, nếu không chất lượng sản phẩm cũng bị giảm sút. Chưa kể những tác động khác đối với môi trường Tây Nguyên, phát triển cây tiêu ồ ạt đã kéo theo nạn chặt phá cây rừng để làm trụ tiêu, và cả nạn khoan giếng lấy nước gây suy giảm mạch nước ngầm - đó là những vấn đề hết sức nhức nhối ở Tây Nguyên.
Các nhà chuyên môn khuyến cáo, bà con không nên bán tháo mặt hàng tiêu ngay tại thời điểm này để tránh áp lực về đầu ra. Ngoài ra, không vì khó khăn trước mắt mà phá bỏ vườn tiêu. Trước mắt, những giải pháp tháo gỡ khó khăn vùng trồng tiêu đang được các địa phương tính đến nhưng ngay từ bây giờ, không thể không tính đến việc thay đổi trong cách sản xuất ở các vùng trồng tiêu. Đó là không chạy theo diện tích mà tập trung đầu tư trồng tiêu sạch, nâng chất lượng hạt tiêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!