Pháp tiết giảm chi phí tổ chức Olympic Paris 2024
Các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 cho biết, họ sẽ tiết kiệm và chi tiêu từng đồng một cách đáng tiền nhất. 9,7 tỷ USD là số tiền mà Pháp dự kiến chi ra để tổ chức kỳ Olympic năm nay. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức chi tại 5 kỳ thế vận hội được tổ chức gần nhất, dao động từ 16 - 45 tỷ USD.
Trong số 9,7 tỷ USD này được chia ra gồm chi phí xây dựng và chi phí tổ chức. Trong phần xây dựng, làng thể thao Olympic là cơ sở tốn kém nhất với mức đầu tư 1,6 tỷ USD. Song ngay sau khi sự kiện kết thúc, cơ sở này sẽ được biến thành 2.800 căn hộ cho thuê.
Còn với chi phí tổ chức gồm công tác an ninh, đi lại, dịch vụ y tế… sẽ lên tới 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, 96% số tiền này sẽ đến từ tiền bán vé xem các trận thi đấu, bản quyền truyền hình và quảng cáo tại sự kiện.
9,7 tỷ USD là số tiền mà Pháp dự kiến chi ra để tổ chức kỳ Olympic năm nay.
Quán xá Paris thất thu vì thiếu khách
Rõ ràng các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 đã có những tính toán khá hợp lý. Nhưng liệu lợi nhuận kinh tế thu về từ sự kiện có đủ để bù đắp hay lại lỗ? Trung tâm nghiên cứu Luật và Kinh tế Thể thao Pháp cho rằng sự kiện này có thể mang lại 7,2 - 12 tỷ Euro cho Paris và các thành phố lân cận. Song họ cũng nhấn mạnh đây là lợi ích kinh tế trải đều trong khoảng 20 năm, tính từ khi việc chuẩn bị cho Olympic bắt đầu năm 2018.
Còn trong ngắn hạn, Viện Thống kê Quốc gia Pháp đầu tháng 7 này dự báo, GDP Pháp có thể tăng 0,5% trong quý III và tăng 1,1% cả năm nhờ tổ chức Olympic.
Song trên thực tế ghi nhận tại Pháp thì Thế vận hội Paris không những không làm tăng lượng khách cho nhà hàng, quán ăn và khách sạn của thành phố, mà còn lấy đi một lượng rất lớn khách du lịch truyền thống trong khi mọi năm đáng nhẽ đây đang là cao điểm của mùa du lịch Paris.
Quán xá Paris thất thu vì thiếu khách.
Ông Jean-Pierre Reveyrolle - Chủ quán Cà phê Klébert Paris cho biết: "Người ta tới Paris là để thăm Paris. Nếu bị chặn mọi ngả tới những địa điểm văn hoá du lịch, quả là không bình thường. Quảng trường Concorde, bảo tàng Louvre, dọc hai bên bờ sông Seine, khắp nơi, chiến luỹ bao quanh. Tổ chức Thế vận hội cũng tốt, nhưng chỉ vì 4 tiếng cho lễ khai mạc mà phong toả nguyên cả một thành phố thế này quá là không tương xứng. Với quán tôi thì đó là thảm hoạ. Từ sáng đến giờ chưa được nổi 100 Euro tiền hàng. Tính chung thì sụt giảm tới 90% doanh thu".
"Tình hình là bình lặng, còn quá cả bình lặng ấy. Chúng tôi đã trông chờ rất nhiều, cứ tin là sẽ có nhiều khách hàng hơn, nhưng hoá ra lại không phải thế. Quán cà phê quán ăn, trống trơn. Mong là mấy ngày nữa sẽ tốt hơn", ông Yvan X - Nhân viên quán cà phê Madeleine Paris chia sẻ.
Paris mượn nguồn lực Olympic 2024 để phát triển hạ tầng
Nếu chỉ nhìn thật ngắn thì tổ chức Thế vận hội Olympic không thúc đẩy ngành du lịch Paris là bao nhiêu. Khách du lịch truyền thống e ngại phiền phức đã tránh đi chơi đi nghỉ ở Paris mùa hè năm nay.
Lợi ích trước mắt mà Paris thu được chỉ là từ bán vé vào xem thi đấu và bán bản quyền truyền hình. Tờ Le Figaro trích tính toán của cơ quan thống kê Pháp, tiền bán vé cho người Pháp và cho khách du lịch nước ngoài cộng với tiền bản quyền truyền hình cho các tập đoàn truyền thông quốc tế sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nước Pháp khoảng 0,25 điểm phần trăm trong quý III năm nay.
Nhưng nếu nhìn dài hạn thì Thế vận hội Paris là một kế hoạch đầu tư khôn ngoan rất đáng tổ chức, theo tờ El Pais của Tây Ban Nha. Bởi vì giống như Los Angeles, London và Barcelona, Paris đã xây dựng hạ tầng cho Thế vận hội với quan điểm đang xây một khu dân cư.
Bài báo viết: "Có ba nguồn lợi từ tổ chức Thế vận hội: Thứ nhất là thu được tiền từ bản quyền truyền hình, khoản này Ủy ban Olympic quốc tế chuyển hết cho ngân sách thành phố; thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng thể thao, sân bóng, bể bơi, khoản này thì Ủy ban Olympic chi một phần; Thứ ba là đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, giao thông, viễn thông, nhà ở, khách sạn và văn phòng, khoản này thường do doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm.
Nhưng nếu nhìn dài hạn thì Thế vận hội Paris là một kế hoạch đầu tư khôn ngoan rất đáng tổ chức, theo tờ El Pais của Tây Ban Nha. Ảnh: AP.
Bài báo nhấn mạnh chiến lược kinh tế ở đây là tối đa hóa các khoản đầu tư này. Xây làng Olympic, trên thực chất là xây các toà chung cư căn hộ cho gia đình. Xây bể bơi hay sân bóng cho Olympic phải tính toán để quy mô phù hợp với nhu cầu của khu đô thị mới sau này, nếu cần nhiều bể bơi sân bóng hơn thì san bớt sang các quận khác của thành phố.
Chính bằng cách mượn lực của Ủy ban Olympic quốc tế và nguồn vốn đầu tư tư nhân, mà thành phố London đã biến một khu đất hoang ô nhiễm ven nội, thành một khu dân cư hiện đại.
Olympic xong xuôi, tất cả lại về. Mấy tuần nữa, vận động viên sẽ ra đi, bỏ lại sau lưng làng Olympic cũng như hạ tầng thi đấu thể thao. Tờ El Dia viết: "Làng Olympic có diện tích 52 ha và 82 tòa nhà với 3.000 căn hộ nằm bên bờ sông Seine, khi kết thúc Thế vận hội sẽ trở thành khu văn phòng và chung cư căn hộ gia đình".
Toà nhà nơi vận động viên phải tới kiểm tra doping có thể sẽ thành trạm xá, trung tâm báo chí Thế vận hội trở thành trường học hay siêu thị, với đầy đủ hạ tầng điện nước viễn thông. Lợi ích kinh tế lâu dài mới là mục đích mà Paris hướng tới khi đăng cai Olympic năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!